Tại Hội thảo “Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam sau 5
năm gia nhập WTO” diễn ra tuần qua, câu chuyện của ông Lương Văn Tự
(nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao
Việt Nam) khiến nhiều người đắng lòng.
Theo ông Tự 1 kg cà phê nhân Việt Nam (khoảng 3USD) chế biến được 40 tách
cà phê thượng hạng và bán với giá 3USD/tách
Ông Tự cho biết, hiện nay đến 90% cà phê Việt Nam
xuất khẩu thô, mỗi 1kg cà phê thu về được 3USD, trong khi sang nước
ngoài, bước vào quán cà phê sang trọng uống một tách cà phê chế biến từ
cà phê nhân của Việt Nam, chúng ta cũng phải trả đến 3USD. Mà theo tính
toán, từ 1kg cà phê người ta có thể pha chế được 40 tách cà phê thơm
ngon. Một ví dụ cụ thể để thấy sự thiệt thòi của các DN chế biến thô,
không chỉ với riêng cà phê mà gần như của tất cả các ngành nông sản, từ
gạo, hạt điều, hạt tiêu…
Theo ông Tự, thẳng thắn mà nói chúng ta yếu từ công nghệ đến năng
lực cạnh tranh, năng lực quản lý, đặc biệt là khả năng liên kết, tập
hợp sức mạnh… Sắp tới, Hiệp hội Cà phê – Ca cao sẽ kiến nghị Nhà nước
chuyển Quỹ bảo hiểm xuất khẩu cà phê, thành Quỹ bảo hiểm ngành hàng cà
phê, để có thể thu phí xuất khẩu
của tất cả các DN xuất khẩu (kể cả trong và ngoài Hiệp hội) nhằm chia
sẻ nguồn lực, tái đầu tư cho cây cà phê, nâng cao chất lượng, hình ảnh,
thương hiệu cà phê Việt Nam…
Theo các chuyên gia, hiện nay Việt Nam đã tham gia vào hai chuỗi giá
trị có vai trò ngày càng quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu ở thế
kỷ XXI, nổi bật nhất là chuỗi giá trị lương thực và an ninh lương thực.
Việt Nam hiện là nhà sản xuất gạo lớn thứ 4 thế giới xét về mặt sản
lượng và đứng thứ 5 thế giới xét về kim ngạch xuất khẩu…
Tuy nhiên, Việt Nam mới chỉ tham gia vào phân khúc sản xuất, ở khâu
thấp nhất trong chuỗi giá trị. Tỷ lệ nhập khẩu nguyên, nhiên vật liệu
của Việt Nam luôn chiếm tỷ trọng trên 60% tổng giá trị kim ngạch nhập
khẩu và năm 2010 vẫn còn ở mức 61%, tương đương với 51,5 tỷ đô la Mỹ.
Điều này cho thấy Việt Nam vẫn đang bị phụ thuộc nhiều vào đầu vào của
nước ngoài và hoạt động sản xuất ngành hàng phụ trợ phục vụ cho sản
xuất hàng xuất khẩu còn yếu.
Rất nhiều chuyên gia tham dự hội nghị cũng đồng tình với ý kiến của
GS.TSKH Nguyễn Mại khi kiến nghị Nhà nước sớm sửa đổi Luật Doanh
nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Đấu thầu và các Luật Thuế theo
hướng tạo ra hành lang pháp lý minh bạch, công khai, tạo môi trường
thuận lợi hơn cho kinh doanh và đầu tư. Về chính sách lao động và việc
làm cần có ưu đãi cao hơn đối với DN vừa và nhỏ, kể cả lĩnh vực dịch
vụ, theo đó không chỉ miễn, giảm thuế đối với DN sử dụng nhiều lao động.
Đặc biệt, chính các DN cần xây dựng chiến lược kinh doanh, định hình
đường hướng, bước đi, xác định điểm mạnh, điểm yếu của đối thủ, đề ra
giải pháp kinh doanh dài hơi hơn. DN cần quan tâm thích đáng cho chiến
lược hình ảnh và thương hiệu của mình, nâng cao năng lực quản trị, tăng
cường đầu tư và bồi dưỡng trình độ, chuyên môn cho người lao động.
“Doanh nghiệp đầu tư chưa tương xứng cho công tác phát triển nguồn
nhân lực. Thực tế, họ thường sử dụng biện pháp “ăn xổi, đi săn đầu
người” từ công ty khác thay vì tự đào tạo” – các chuyên gia thẳng thắn
phê bình.
Theo Pháp Luật