Đưa xuất khẩu cà phê vào diện kinh doanh có điều kiện như thống nhất giữa Bộ
Công thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới đây là chủ trương
được người sản xuất, kinh doanh rất đồng tình. Tuy nhiên, để đáp ứng một số
tiêu chí của điều kiện mới này, nhiều doanh nghiệp tham gia sản xuất, chế biến
và xuất khẩu cà phê tại Đắc Lắc đã gặp khó.
Theo điều kiện mới, để có quyền tham gia kinh doanh xuất khẩu cà phê, doanh
nghiệp phải có thêm các tiêu chuẩn như: đã tham gia chế biến và xuất khẩu cà
phê 2 năm liên tục và lượng cà phê xuất khẩu tối thiểu 5.000 tấn/1năm. Với một
số doanh nghiệp xuất khẩu cà phê hàng đầu, đây là 2 tiêu chí đơn giản, thậm chí
họ có thừa. Tuy nhiên, với nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa, đây là 2 yêu cầu
không dễ đáp ứng.
Tại Đắc Lắc, hàng chục doanh nghiệp đã có thâm niên trong lĩnh vực vừa sản
xuất, vừa chế biến và xuất khẩu cà phê. Với trên dưới chục năm kinh nghiệm,
nhưng đa số doanh nghiệp thuộc diện này vẫn không đạt tiêu chí xuất khẩu mỗi
năm hơn 5.000.
Ông Cao Văn Tứ, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên cà phê Ea
Pốc cho biết: Hàng năm công ty này sản xuất và xuất khẩu chỉ đạt gần 3.000 tấn.
Dù đã đầu tư hơn 5 tỉ đồng trang bị công nghệ hiện đại đáp ứng nhu cầu chế biến
lượng cà phê này, nhưng so với điều kiện mới thì đòi hỏi phải đầu tư mở rộng
nữa, trong khi doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn: “Chúng ta dần dần phải đưa
ra tiêu chuẩn xuất khẩu cà phê như thế nào để đảm bảo uy tín ngành hàng của
mình. Những đơn vị chưa hội tụ được đủ điều kiện phải có thời gian đầu tư thêm.
Chúng tôi cho rằng phải có lộ trình chứ không phải đưa ra rồi bắt doanh nghiệp
thực hiện ngay như vậy là làm khó doanh nghiệp. Doanh nghiệp đang hoạt động
theo đúng luật, sản xuất, tham gia xuất khẩu, bán mua theo giấy phép. Bây giờ
do chưa hội tụ đủ điều kiện, chúng tôi không được xuất khẩu thì toàn bộ công
nghệ đã đầu tư bỏ đi đâu?”.
Ông Phan Hùng Anh, Phó Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Anh Minh- một
trong 5 doanh nghiệp đang có chỉ số xuất khẩu cà phê hàng đầu tại Đắc Lắc cho
rằng: Việc sàng lọc doanh nghiệp xuất khẩu cà phê bằng điều kiện bắt buộc là
cần thiết để ổn định lại thị trường, giảm tình trạng tranh mua tranh bán thiếu
lành mạnh. Và trong bối cảnh ngành cà phê Việt Nam đang còn tình trạng xuất
khẩu thô phổ biến như hiện nay thì các quy định mới nên tập trung vào các tiêu
chí nâng cao chất lượng hơn là đưa ra số lượng mà thực tế khó đáp ứng.
Ông Phan Hùng Anh, Phó Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Anh Minh nói:
“Tôi nghĩ đưa cà phê vào mặt hàng xuất khẩu có điều kiện, vẫn còn những vấn đề
mà ta cần phải trao đổi lại. Ví dụ như điều kiện phải xuất khẩu tối thiểu 5.000
tấn/năm mới được xuất khẩu, có những doanh nghiệp chú trọng vào sản xuất cà phê
chất lượng cao, những doanh nghiệp này thường xuất khẩu rất ít. Theo tôi, điều
quan trọng là doanh nghiệp phải có uy tín và đủ năng lực về tài chính thì mới
được tham gia xuất khẩu.”
Theo Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, nhược điểm lớn của thủ phủ cà phê
cả nước hiện nay vẫn là sản xuất manh mún, nhỏ lẻ: chỉ có gần 20% sản xuất tập
trung, còn lại là sản xuất cá thể. Chính vì vậy, để đáp ứng điều kiện mới là
phải xuất khẩu tối thiểu 5.000 tấn/năm, theo ông Trịnh Đức Minh, Phó Chủ tịch
thường trực Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột thì các cá thể cần tăng cường liên
kết, xây dựng các chuỗi liên kết.
Ông Minh cho rằng, điều kiện thương nhân phải có kinh nghiệm tối thiểu 2 năm
mới được tham gia kinh doanh xuất khẩu cà phê là không phù hợp. Bởi nếu thế thì
nhiều người có tiền cũng khó được đầu tư vào lĩnh vực xuất khẩu cà phê vì đương
nhiên họ chưa có được kinh nghiệm này: “Riêng với các đối tượng không sản xuất
cà phê mà chỉ có thu mua xuất khẩu thì phải hạn chế bởi vì hiện nay có trên 150
doanh nghiệp tham gia thu mua và xuất khẩu cà phê. Trong số đó không ít doanh
nghiệp thiếu kinh nghiệm và làm ăn, phục vụ lợi ích ngắn hạn. Tôi thống nhất
chung, tuy nhiên điều kiện 2 năm kinh nghiệm xuất khẩu đưa ra cũng chưa hợp lý,
không nên đặt ra, bởi với điều kiện này thì sẽ không có doanh nghiệp mới nào
gia nhập được vào việc xuất khẩu cà phê cả”.
Rõ ràng, việc đưa cà phê vào một trong những mặt hàng xuất khẩu có điều kiện
là hết sức cần thiết. Song để đáp ứng những tiêu chí mới, các doanh nghiệp nhỏ
lẻ đang cần một lộ trình phấn đấu mới có thể tự tin đứng vững trên sân chơi
toàn cầu./.
Thế Thắng/VOV-Tây Nguyên