Bản tin dự báo thị trường một số nông sản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn trong tháng 2/2012 đưa ra số liệu khá ảm đạm, khối lượng cà phê xuất
khẩu trong năm nay có thể chỉ đạt mức gần 985 ngàn tấn, giảm hơn 200 ngàn tấn
so với mức dự báo của tháng trước do nguồn cung thấp.
Mức kim ngạch xuất khẩu khoảng 3 tỷ USD trong bản tin dự báo tháng trước cũng
của Bộ này, nay giảm xuống chỉ còn 2,2 tỷ USD, thấp hơn rất nhiều so với con số
thực hiện năm ngoái, ở mức trên 2,75 tỷ USD.
Theo Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (VICOFA), niên vụ cà phê 2011/12 đã thu
hoạch xong trên cả nước, sản lượng sẽ thấp hơn so với mức sản lượng đã dự kiến
trước khi vào vụ.
Do ảnh hưởng của các đợt áp thấp nhiệt đới, cơn bão số 7 và gió mùa đông bắc tràn
qua đã gây tình trạng mưa phùn cho khu vực Tây Nguyên trong giai đoạn cuối năm
2011, khiến cây cà phê đồng loạt bung hoa, gây tác động xấu đến năng suất và
sản lượng cà phê của cả nước trong niên vụ 2012/13.
Thêm vào đó, sản lượng cũng bị ảnh hưởng do diện tích cây cà phê già cỗi trên
20 năm đang ngày càng tăng lên, đến nay đã lên đến xấp xỉ 30%. Năng suất của
những vườn cà phê già chỉ bằng một nửa so với các vườn cà phê trẻ. VICOFA dự
báo, sản lượng cà phê của nước ta trong niên vụ 2012/13 sẽ giảm khoảng 15-20%
so với niên vụ trước.
Đó cũng là xu thế chung trên thế giới. Theo thông tin từ các quốc gia thành
viên của Hiệp hội Cà phê thế giới (ICO), tổng sản lượng cà phê toàn cầu trong niên
vụ 2011/12 ước chỉ đạt 130,9 triệu bao, giảm 2,4% so với mức 134,2 triệu bao
của niên vụ 2010/11 do điều kiện thời tiết xấu và dịch bệnh lây lan tại khu vực
Trung Mỹ.
Thống kê của ICO cho hay, khối lượng cà phê xuất khẩu toàn cầu trong năm 2011
đạt 103,7 triệu bao, tăng 7% so với mức 96,9 triệu bao của năm 2010. Tuy nhiên,
xuất khẩu cà phê toàn cầu tháng đầu năm 2012 có dấu đi xuống với mức giảm 9,9%
so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt 7,99 triệu bao.
Mức giá cao trong năm 2011 đã khuyến khích hoạt động thương mại, khiến lượng dự
trữ cà phê của nhiều quốc gia xuất khẩu sụt giảm. Trong khi đó, lượng cà phê
tồn kho tại các quốc gia nhập khẩu tăng.
Dự trữ đầu kỳ tại các quốc gia xuất khẩu trong niên vụ 2011/12 ước đạt 17,4
triệu bao, giảm 1,1 triệu bao so với dự trữ đầu kỳ của niên vụ trước. Dự trữ
của các quốc gia nhập khẩu ước đạt 22,3 triệu bao vào thời điểm cuối tháng
9/2011.
Chỉ số giá tổng hợp trung bình tháng tháng 1/2012 của ICO giảm nhẹ 0,1% so với
tháng 12/2011, đạt mức 188,9 US cent/lb. Mức chỉ số giá này thấp hơn 4,3% so
với tháng 1/2011 và thấp hơn tới 10,2% so với mức chỉ số giá trung bình cả năm
2011.
Tuy nhiên, sự sụt giảm của giá cà phê trong tháng 1 đã được điều chỉnh trong
tuần đầu của tháng 2/2012, với chỉ số giá tổng hợp theo ngày tăng từ mức 183,68
US cent/lb trong ngày 1/2 lên mức 188,48 US cent/lb trong ngày 7/2, tương đương
mức tăng 2,6%. Đây là tín hiệu tích cực hỗ trợ giá cà phê giao dịch tại thị trường
trong nước.
Giá cà phê tại thị trường trong nước trong tháng 2 có xu thế tăng so với tháng
1 do tác động của xu thế tăng giá trên thế giới nhưng mức tăng này vẫn còn thấp
hơn 10,7% so với mức giá cùng kỳ năm ngoái.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên trong ngày 28/2 dao động ở mức
39.200-39.400 đồng/kg, cụ thể giá cà phê tại Đắk Lắk đạt mức 39.400 đồng/kg,
tăng 3,1% so với mức giá hồi đầu năm.
Giá cà phê Robusta xuất khẩu loại 2,5% đen vỡ đạt mức 1.970 USD/tấn (FOB). Tuy
có tăng trưởng 10,7% so với mức giá xuất khẩu hồi đầu năm nhưng còn thấp hơn
7,1% so với mức giá cùng thời kỳ của năm 2011.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, nước ta đã xuất khẩu 112,18 nghìn tấn cà
phê trong tháng 1/2012, đạt giá trị 226,94 triệu USD; giảm tới 47,8% về lượng
và giảm 45,1% về giá trị so với xuất khẩu của tháng 01/2011.
Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu cà phê đã phục hồi trong giai đoạn nửa đầu tháng
2, với mức xuất khẩu trong kỳ đạt 102,5 tấn, giá trị xuất khẩu đạt 207,5 triệu
USD. Lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/2, nước ta đã xuất khẩu tổng cộng 214,4
nghìn tấn cà phê, đạt giá trị 433,9 triệu USD, giảm 16,8% về lượng và giảm
13,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2011.