Nên ra điều kiện với doanh nghiệp ngoại
Bà Phan Thị Thanh Minh- Phó Vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu
(Bộ Công Thương) cho biết: “Theo luật, các DN FDI được quyền đầu tư kinh doanh,
xuất khẩu cà phê. Tuy nhiên, nếu các cơ chế chính sách hiện hành bị các DN FDI "lách"
chỗ nào, thì chúng ta cần phải chấn chỉnh chỗ ấy để tránh tình trạng các DN FDI
cạnh tranh không lành mạnh. Tôi cho rằng, các DN VN nên tìm cách đầu tư, kinh
doanh tốt hơn để cạnh tranh với DN FDI trong mua bán xuất khẩu cà phê”.
|
Thu mua cà phê ở Tây Nguyên.
|
Đồng thời, Bộ Công Thương đã kiến nghị các bộ, ngành liên
quan, cùng các địa phương cần tăng cường quản lý, giám sát hoạt động của các DN
nước ngoài trong việc mua, bán nguyên liệu trong nước, tạo môi trường cạnh
tranh lành mạnh.
Trong khi đó, TS Phạm Tất Thắng - chuyên gia kinh tế Viện
Nghiên cứu Thương mại cho rằng: “Việc DN nước ngoài được kinh doanh nông sản,
trong đó có cà phê ở trong nước đã được cảnh báo từ rất lâu, kể từ khi VN mới
gia nhập WTO, đó là chúng ta sẽ phải đối mặt với cạnh tranh quốc tế ngay trên
sân nhà.
Chính vì vậy, chúng ta phải chuẩn bị đối phó với tình hình
này như thế nào. DN nước ngoài được phép mua trực tiếp cà phê của dân nhưng mua
với số lượng bao nhiêu, họ được đặt bao nhiêu điểm thu mua... là quyền của chúng
ta”. Theo ông Thắng, có thể đặt điều kiện khi cho phép DN nước ngoài khi họ
được mua trực tiếp nông sản của ta, đồng thời các địa phương cũng nên có quy
định và thực hiện kiểm tra, giám sát việc này.
“Cần tự do cạnh tranh”
Đó là khẳng định của ông Vũ Quốc Tuấn - Trưởng phòng
Truyền thông đối ngoại Công ty TNHH Nestlé Việt Nam về loạt bài mà Báo NTNN đã phản
ánh. Ông Tuấn cho biết: “Thực tế, hiện Nestlé có nhà máy chế biến cà phê rang xay
lớn nhất ở Việt Nam và Nestlé có quyền thu mua cà phê của dân để có nguyên liệu
chế biến cho nhà máy, thế nhưng cho đến nay chúng tôi chưa hề mua trực tiếp một
hạt cà phê nào của dân”.
Trung bình mỗi năm, Nestlé thu mua khoảng 250.000 tấn cà phê
tại Việt Nam
(chiếm 25% sản lượng) để phục vụ cho nhà máy rang xay của công ty.
Theo ông Tuấn, phương thức thu mua của Nestlé hiện nay là
mua qua đại lý trung gian, có nghĩa là các đại lý nhỏ đi thu mua cà phê trong
dân, sau đó họ bán cho đại lý cấp 1 và Nestlé chỉ mua qua đại lý cấp 1, các đại
lý này cũng đều là các doanh nghiệp trong nước.
Về ý kiến, các công ty nước ngoài vào thu mua trực tiếp
nguyên liệu có thể gây ảnh hưởng lâu dài đến ngành cà phê Việt Nam, ông Tuấn
nói: “Ở đây, có thể vì lý do nào khác, nên họ mới đưa vấn đề này lên thành một
nguy cơ. Còn riêng về quan điểm của Nestlé là ủng hộ tự do cạnh tranh, điều này
vừa thích hợp với các quy định của WTO, vừa đảm bảo tự do thị trường. Chứ còn
chúng ta cứ quản lý theo kiểu bảo hộ các DN trong nước bằng biện pháp hành
chính, thì không có hiệu quả”.
Mai Hương - Ngọc Lê (Dân Việt)