Năm
nay, cả nước có 570,9 nghìn ha cà phê, trong đó 533,8 nghìn ha cho thu
hoạch. Ước tính tổng sản lượng cà phê niên vụ 2011/2012 đạt 1,168 triệu
tấn. So với niên vụ 2010/2011, diện tích canh tác tăng 3% và sản lượng
tăng 6%.
Không lo bị “tranh mua”
Nhưng theo điều tra của Viện Chính sách và Chiến
lược Phát triển nông nghiệp nông thôn tại các hộ trồng cà phê cho thấy:
45% số hộ cho rằng mức giá bán bình quân cả năm nay sẽ chỉ đạt mức thấp
30-35 nghìn đồng/kg; 38% số hộ cho rằng đạt 36-38 nghìn đồng/kg; 12% số
hộ kỳ vọng bán được giá 39-40 nghìn đồng/kg; chỉ có 5% số hộ lạc quan
với mức giá 41-45 nghìn đồng/kg và không có hộ nào cho rằng giá sẽ vượt
45 nghìn đồng/kg.
Ông Nguyễn Văn An, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm
Tổng giám đốc Tập đoàn Thái Hòa, nhận định, năm 2012, các DN nước ngoài
cạn vốn do khủng hoảng nợ công châu Âu nên sẽ không còn sức mạnh để
tranh mua với DN trong nước như năm 2011. Vụ thu hoạch cà phê năm nay
chỉ còn 2 tháng nữa là kết thúc, đến thời điểm này nông dân mới bán 40%
khối lượng cà phê thu hoạch, còn 60% chờ khi nào được giá mới bán.
“Việc nông dân găm giữ hàng, tránh bán ra ồ ạt để
giữ giá cà phê không sụt giảm sâu là một điều rất đáng mừng. Chúng tôi
đánh giá năm nay là năm thành công của những người nông dân trồng cà
phê Việt Nam”, ông An đánh giá.
Cần “người dò đá qua sông”
Tuy nhiên, không phải DN trong nước nào cũng tận
dụng được sự suy yếu của các DN nước ngoài để củng cố hoạt động kinh
doanh của mình.
Theo ông Phạm Khánh Hiệp, chuyên gia phân tích cà
phê, các DN nước ngoài kinh doanh trực tiếp với các thương nhân rang
xay cà phê trên sàn giao dịch, họ có hệ thống các chi nhánh trên cả
nước để thu mua sản phẩm đến từng hộ nông dân. Họ cũng nắm bắt tốt hơn
những diễn biến trên thị trường, nên luôn đưa ra được chiến lược kinh
doanh hợp lý hơn.
Trong khi đó, các DN trong nước không có được những
thông tin chuyên nghiệp từ các nhà phân tích thị trường nên khó có
chiến lược kinh doanh tốt, hoạt động thu mua phải qua nhiều khâu trung
gian. Phần lớn nguồn vốn thu mua cà phê của các DN trong nước đều phải
vay ngân hàng.
Vì vậy, ông Trần Công Thắng, chuyên gia phân tích
ngành hàng cà phê của Trung tâm thông tin nông nghiệp (Agroinfo), cho
rằng các DN kinh doanh cà phê Việt Nam đang rất cần người “dò đá qua
sông”, công tác dự báo thị trường phải được đặt lên hàng đầu.
Vì vậy, các chuyên gia cũng như cơ quan quản lý Nhà
nước đều nhấn mạnh đến việc thống nhất tổ chức điều phối ngành hàng cà
phê, kết nối các hiệp hội, tổ chức nông dân có liên quan nhằm thống
nhất các kế hoạch đầu tư, giám sát hoạt động sản xuất kinh doanh của
toàn ngành.
Ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục Trồng trọt, cho
biết Chiến lược phát triển bền vững ngành hàng cà phê Việt Nam hướng
tới 8 nhóm giải pháp chính: phát triển thể chế, sản xuất bền vững, cải
thiện các hoạt động nghiên cứu thị trường, marketing tiêu thụ nội địa,
giám sát cung cầu, hỗ trợ xã hội, cải thiện tiếp cận tài chính, lồng
ghép ngành với vấn đề biến đổi khí hậu.
Đỗ Hương