Chờ cà phê chín đều hẵng hái
Đó là phương châm bảo vệ uy tín chất lượng sản phẩm của Công ty TNHH
MTV cà phê Thắng Lợi (Km17 Quốc lộ 26 huyện Krông Pác, tỉnh Đác Lắc),
một trong số rất ít doanh nghiệp hiện có tình hình kinh doanh ổn định,
bán được hàng với giá cao nhất trong số hàng trăm công ty trồng cà phê
trên cả nước.
Ngày 30-10-2012, Công ty Thắng Lợi tổ chức đợt ra quân hái cà phê đầu
tiên cho cả mùa thu hoạch kéo dài trọn hai tháng của niên vụ cà phê
2012-2013. Sở hữu gần 1.800 ha cà phê đang thời kỳ kinh doanh và 226 ha
cà phê liên kết với đồng bào Ê Đê ở hai xã lân cận, toàn bộ diện tích cà
phê do công ty quản lý được xem là vùng nguyên liệu cà phê cao sản,
năng suất ổn định của tỉnh Đác Lắc. Đó là nhờ có hồ thủy lợi Ea Nhái
rộng 300 ha nối liền với hệ thống kênh mương thiết kế hoàn chỉnh, quanh
năm không lo khô hạn.
Trên đường đưa chúng tôi đi thăm đồng, Giám đốc công ty Nguyễn Xuân
Thái cho biết: Do đời sống của người lao động được bảo đảm, tổ chức bảo
vệ tốt cho nên vụ nào công ty cũng chờ cà phê đỏ cành, tỷ lệ quả chín
đạt hơn 90% mới thu hái. Nhờ canh tác thân thiện với môi trường, chọn
lựa kỹ, chất lượng bảo đảm cho nên khi xuất khẩu, 100% sản lượng cà phê
Thắng Lợi không bị trừ lùi so giá Luân Đôn như cà phê của nhiều doanh
nghiệp khác, mà còn được cộng thêm một, hai trăm USD mỗi tấn.
Điệp khúc “Đừng hái cà phê xanh” năm nào cũng được UBND các tỉnh có
diện tích cà phê lớn ở Tây Nguyên ban hành công văn nhắc nhở doanh
nghiệp và người dân lưu tâm. Tuy nhiên, nhiều nơi không thể thực hiện
được điều đó, do tình hình an ninh trật tự bất ổn, cà phê để lâu trên
cành dễ bị kẻ gian hái, thậm chí còn bị bẻ cành, cưa gốc để vặt cho
nhanh. Tỷ lệ cà phê xanh cao là một trong những nguyên nhân làm tăng tỷ
lệ hạt đen vỡ, khiến cà phê Việt Nam xuất khẩu thường bị trừ lùi. Hiệp
hội cà phê Ca-cao Việt Nam (VICOFA) khẳng định, nếu khắc phục được thực
trạng này, kim ngạch xuất khẩu cà phê mỗi năm có thể tăng đến vài trăm
triệu USD.
Địa phương nào chính quyền thật sự quan tâm, thì việc bảo vệ cà phê
cho dân thuận lợi hơn, ngoài ra còn nhờ sự phối hợp tổ chức tuần tra
canh gác giữa công an với thanh niên xung kích, lực lượng dân phòng.
Phía bắc Tây Nguyên, UBND huyện Đác Hà, Kon Tum có sáng kiến chỉ đạo các
xã, thị trấn thành lập Tổ hợp tác hái cà phê, ưu tiên sử dụng lao động
tại địa phương đã có “chứng chỉ nghề hái cà phê”. Dù vậy, so độ chín đều
của những công ty hàng đầu như Thắng Lợi thì cà phê Đắc Hà và nhiều
vùng nguyên liệu khác không thể sánh bằng…
Giá cao nhưng lãi thấp vì giảm sản lượng
Ông Nguyễn Xuân Thái cho biết: Với tỷ lệ 4,55 kg quả tươi sau phơi,
xát, đánh bóng cho ra một kg cà phê nhân, vụ trước gần 1.800 ha cà phê
của công ty cho thu hoạch khoảng 5.500 tấn cà phê nhân. Còn vụ này, sau
khi thanh lý cải tạo xong 100 ha cà phê già cỗi, dù nguồn nước tưới từ
hệ thống hồ đập của công ty không thiếu, nhưng năng suất vẫn giảm, ước
chỉ thu được khoảng 5.000 tấn.
Niềm vui ngày mùa
Cách Thắng Lợi không xa, công ty cà phê Phước An (từng là lá cờ đầu
của ngành cà phê Việt Nam cách đây hơn chục năm) hiện sở hữu hơn một
nghìn ha, vụ trước thu gần 3.500 tấn cà phê nhân, vụ này dự tính giảm
một nghìn tấn. Giám đốc Công ty cà phê Phước An Trần Minh Thụy xác nhận,
phần lớn diện tích cà phê của Phước An tại chi nhánh An Thuận ở huyện
Krông Buc mất mùa vì thời tiết bất thường, thiếu nước tưới, lại theo quy
luật “năm tăng, năm giảm”. Sản lượng giảm, các loại chi phí như xăng
dầu, phân bón, thuốc trừ sâu, giá nhân công đều tăng cao cho nên dù đã
tính toán tiết kiệm mọi chi phí, giá hiện tại lại đang đứng ở mức tương
đối cao, khoảng 40 triệu đồng/tấn, nhưng lợi nhuận mang về cho nhà sản
xuất vẫn không đáng kể.
Anh Ya Khin, nông dân trồng cà phê ở huyện Di Linh (Lâm Đồng) cho
biết: Nhờ tầng đất ba-dan màu mỡ, năm nào vùng cà phê ở xã Gung Ré cũng
đạt năng suất cao. Vườn cà phê nhà anh rộng hơn một ha nhưng thường thu
được tới năm, sáu tấn cà phê nhân. Năm nay, vườn cà phê nào cũng quả
nhỏ, chùm thưa nên chẳng hy vọng lãi nhiều, dù được các nhà thu mua sớm
hỗ trợ kỹ thuật, hứa bao tiêu toàn bộ sản phẩm đạt tiêu chí 4C với mức
giá ưu đãi.
So niên vụ 2011-2012 kết thúc vào ngày 30-9-2012, vừa được mùa vừa
được giá, với hơn 1,6 triệu tấn cà phê nhân xuất khẩu, đem về cho đất
nước gần 3,2 tỷ USD, thì niên vụ 2012-2013, bắt đầu được tính từ ngày
1-10 năm nay đến hết tháng 9 sang năm, dự báo sản lượng sẽ giảm khoảng
10-20%.
Không thiếu vốn mua cà phê xuất khẩu
Từ đầu tháng 10-2012, hầu hết các ngân hàng có chi nhánh đứng chân
trên địa bàn Tây Nguyên đều chuẩn bị nguồn vốn hàng nghìn tỷ đồng, sẵn
sàng cho những doanh nghiệp bảo đảm uy tín vay để thu mua cà phê xuất
khẩu với mức lãi ưu đãi từ 10-11%/năm. Tuy nhiên, thực tế số doanh
nghiệp trong nước đạt đủ các tiêu chí tín dụng tốt hiện chỉ còn đếm trên
đầu ngón tay cho nên nguồn tiền nằm chờ khách trong các ngân hàng vẫn
“mỡ treo, mèo nhịn”.
Không ai ngạc nhiên khi thế thượng phong trên sân nhà thuộc về các
nhà thu mua nước ngoài. Tâm lý chung đã có phần chuyển biến, khi đa số
doanh nhân được phỏng vấn cho rằng trong sân chơi chung, ưu thế tất
nhiên thuộc về kẻ mạnh, điều đó ít ra có lợi cho nông dân và buộc doanh
nghiệp trong nước phải tự “nâng cấp” mình, nếu muốn tồn tại. Hai doanh
nghiệp xuất khẩu cà phê nhân hàng đầu của Việt Nam là Intimex, Simexco
vẫn tự tin dự báo niên vụ 2012-2013 này sẽ mua tổng cộng nửa triệu tấn
cà phê nhân.
Tổng giám đốc Simexco Lê Đức Thống cho biết ,nhờ uy tín thương hiệu
công ty dày công vun đắp, một nửa trong số 140 nghìn tấn cà phê mà công
ty mua vào sẽ được bán trực tiếp cho các nhà rang xay. Một trong những
thuận lợi về nguồn vốn thu mua cà phê đối với Simexco là có nhiều ngân
hàng nước ngoài sẵn sàng cho doanh nghiệp này vay ngoại tệ với lãi suất
thấp, chỉ 3-4%/năm. Còn Tổng giám đốc Intimex Đỗ Hà Nam, doanh nghiệp
đạt kim ngạch xuất khẩu hàng đầu Việt Nam, lên đến hàng tỷ USD mỗi năm,
xác nhận: Niên vụ trước, nhiều doanh nghiệp trong nước thua lỗ nặng phải
rút khỏi “sân chơi” nên Intimex rộng chỗ đẩy mạnh thu mua, xuất khẩu
lên đến 350 nghìn tấn. Niên vụ này, do số đầu mối xuất khẩu trực tiếp
còn ít hơn nữa, Intimex thỏa sức tung hoành nên sẽ mua ước khoảng 400
nghìn tấn, trong đó có 150 nghìn tấn cà phê chất lượng cao mà Intimex
đang đẩy mạnh hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân trồng cà phê trên các tỉnh
Tây Nguyên.
Theo Hoàng Thiên Nga (Nhân Dân)