Chất lượng thấp
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), 10 tháng
qua, ngành cà phê đã xuất khẩu được 1,41 triệu tấn với giá trị lần đầu
tiên vượt ngưỡng 3 tỷ USD, tăng 37,7% về lượng và 32,7% về giá trị so
cùng kỳ năm trước. Hai thị trường tiêu thụ lớn nhất là Mỹ (chiếm 12,11%
thị phần) và Đức (12,09%). Ngoài ra, thị trường Indonesia tăng trưởng
đột biến với mức tăng gấp 9,4 lần về lượng và 8,8 lần về giá trị so với
cùng kỳ năm 2011. Dự báo, sản lượng cà phê 2011- 2012 của Việt Nam ước
đạt trên 1,6 triệu tấn, xuất khẩu mức kỷ lục khoảng 1,5 triệu tấn so
cùng kỳ 2011, tăng 23% về lượng và 24% về giá trị.
Mặc dù Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu cà phê số một thế giới
song ngành cà phê Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với không ít khó khăn,
thách thức, từ khâu quy hoạch, quản lý đến sản xuất, chế biến, tiêu thụ
sản phẩm… Trong đó, chất lượng cà phê chưa được đánh giá cao. Khoảng 60 –
70% lượng cà phê xuất khẩu hiện nay thuộc về các doanh nghiệp (DN) vốn
đầu tư nước ngoài, các DN trong nước thiếu vốn nên không xuất khẩu được
nhiều.
Là nước xuất khẩu 60% sản lượng cà phê Robusta trên thế giới song giá
cà phê Robusta lại thấp hơn giá cà phê Arabica đến 2,53 lần. Bên cạnh
đó, cà phê trong nước chủ yếu xuất khẩu thô cho nên giá trị gia tăng ở
mức thấp, không xây dựng được thương hiệu đối với người tiêu dùng thế
giới.
Ông Nguyễn Nam Hải – Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam –
cho rằng: Nguyên nhân của tình trạng này là do phát triển tràn lan,
không theo quy hoạch của ngành cà phê. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt
quy hoạch diện tích cây cà phê cả nước đến năm 2020 là 500.000ha, nhưng
đến nay, do giá cà phê tăng cao khiến diện tích trồng tại thời điểm này
đã lên tới khoảng 586.000ha. “Ngành cà phê trong nước mới chỉ chạy
theo số lượng, còn sản lượng và chất lượng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu
phát triển bền vững” – Ông Hải nhận định.
Giảm lượng, tăng chất
Theo Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam: Để tiếp tục đẩy mạnh xuất
khẩu, giữ vững được vị trí số một xuất khẩu cà phê, ngành cà phê cần
giảm diện tích từ 586.000ha (năm 2011) xuống còn 500.000 ha vào năm 2020
và giảm từ 18 tỉnh trồng xuống tập trung vào 11 tỉnh trọng điểm, tăng
dần chất lượng cà phê để nâng cao giá trị sản phẩm. Bên cạnh đó, cần xác
lập “Chuỗi giá trị cây cà phê” theo quy trình chuẩn từ ứng dụng giống
mới, kỹ thuật canh tác đến khâu thu gom, sơ chế, chế biến, tiêu thụ để
có cơ sở đề xuất giải pháp nâng cao giá trị gia tăng của cà phê. Ngoài
ra, nhà nước cần hỗ trợ về vốn vay để DN trong nước thu mua chế biến,
xuất khẩu cà phê nhằm chủ động kiểm soát thị trường ngày một tốt hơn.
Liên kết chặt chẽ giữa các DN và cộng đồng để nâng cao uy tín và giá
trị.
Bên cạnh sự hỗ trợ của nhà nước, các tỉnh trồng cà phê cần có quy
định thu hoạch quả chín từ 95% trở lên, cấm thu hoạch cà phê xanh, non
làm giảm chất lượng sản phẩm cà phê.
Hiện cả nước mới chỉ chế biến được khoảng gần 10% sản
lượng cà phê thu hoạch hằng năm, còn lại xuất khẩu thô. Trong đó, chỉ
khoảng 2% DN trong nước bán trực tiếp sản phẩm cho các DN chế biến nước
ngoài, còn lại 98% giao dịch xuất khẩu cà phê phải thông qua khâu trung
gian.
Theo Báo Công Thương