Ngày 4-7, Viện quy hoạch và thiết kế nông
nghiệp được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) giao đề
tài khoa học cấp bộ để nghiên cứu về quy trình tái canh cà phê già cỗi ở
các tỉnh Tây Nguyên.
Theo Viện quy hoạch và
thiết kế nông nghiệp, phải mất từ ba đến năm năm Việt Nam mới hoàn
thành đề tài khoa học cấp bộ về tái canh cà phê già cỗi. Nghĩa là trong
vài năm tới việc người dân muốn tái canh cà phê sẽ chủ yếu dựa trên kinh
nghiệm là chính.
Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online,
ông Vũ Năng Dũng, chuyên viên cao cấp phụ trách đề tài tái canh cà phê
của Viện quy hoạch và thiết kế nông nghiệp cho biết, hiện một số tỉnh
như Đăk Nông người dân đã tái canh một số diện tích cà phê già cỗi nhưng
không thành công.
Theo ông Lê Ngọc Báu,
Viện trưởng Viện khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên trong số
diện tích cà phê già cỗi được người dân trồng lại thì có đến 88% diện
tích cà phê bị chết sau một đến hai năm vì tuyến trùng.
“Nếu Việt Nam chậm
trong việc hỗ trợ vốn cho người dân trong việc tái canh thì đến năm 2020
có hơn 400.000 héc ta già cỗi trong tổng số 560.000 héc ta cà phê đang
có và lúc đó, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sẽ rơi vào trường hợp như
Colombia trước đây”, ông Báu cho biết.
Ông Báu cho rằng, do tỷ
lệ cây cà phê sống sau khi trồng lại không cao nên người dân sẽ không
muốn tái canh vườn cà phê vào thời điểm này. “Hiện giá cà phê đang ở mức
cao nên chuyện kêu gọi người dân tái canh cà phê già cỗi sẽ gặp khó
khăn, ngoại trừ trường hợp nhà nước phải có hỗ trợ tài chính”, ông Báu
nói.
Colombia được biết là một trong năm
nước có sản lượng cà phê cao nhất thế giới nhưng do chậm trong việc tái
canh những diện tích cà phê già cỗi nên hiện nay sản lượng cà phê của
nước này chỉ khoảng 7,8 triệu bao (loại 60kg) vào năm 2011, Trước đó,
sản lượng cà phê trung bình hằng năm của nước này vào khoảng 11 triệu
bao. |
Theo TBKTSG Online