Đây là thông tin được đưa ra tại
chương trình đào tạo nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp cà phê
Việt Nam trong bối cảnh hội nhập do Hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam
(Vicofa) tổ chức ngày 14-5 tại TPHCM.
Theo
ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Vicofa, một trong những khó khăn của doanh
nghiệp xuất khẩu cà phê hiện nay là không có một hợp đồng xuất khẩu
thống nhất nên ít nhiều gây khó khăn cho doanh nghiệp cà phê Việt Nam
trong những năm qua. "Do mỗi doanh nghiệp có những hợp đồng xuất khẩu
khác nhau nên khi có tranh chấp, doanh nghiệp Việt Nam thường gặp bất
lợi trong việc đàm phán để giải quyết", ông Tự nói.
Ông
Nguyễn Hữu Chí, Ủy viên chuyên trách pháp lý của Vicofa, cho biết hiện
hợp đồng giữa người mua và bán cà phê rất đơn giản, thậm chí có trường
hợp không ký hợp đồng dẫn đến việc phải đưa nhau ra tòa án giải quyết,
và lúc đó người bán thường nhận phần thiệt.
Theo
ông Chí, trong việc mua bán cà phê, nhiều nước trên thế giới đều có hợp
đồng do bên mua soạn thảo. Cụ thể, các nước châu Âu thường ký kết hợp
đồng theo mẫu của Liên đoàn cà phê châu Âu. Mỹ cũng có hợp đồng mẫu soạn
sẵn để yêu cầu bên bán cà phê ký vào.
“Lâu
nay, Việt Nam bán cà phê cho các nước thường ký theo hợp đồng của nhà
nhập khẩu soạn nên ít nhiều bị thiệt thòi khi xảy ra trang chấp. Đã đến
lúc, Việt Nam cần phải có một hợp đồng xuất khẩu cà phê dùng chung cho
tất cả doanh nghiệp”, ông Chí nói. Theo ông Chí, Việt Nam phải học cách
làm của Brazil, bắt buộc doanh nghiệp xuất khẩu cà phê phải sử dụng một
mẫu hợp đồng thống nhất do nước này soạn thảo.
Ông
Phạm Tường Lân, Giám đốc Công ty cổ phần nông sản Tân Lâm, tỉnh Quảng
Tri, cho biết nếu Vicofa yêu cầu phải sử dụng một mẫu hợp đồng xuất khẩu
thống nhất thay vì mỗi công ty có một hợp đồng xuất khẩu như hiện nay
đó cũng là vì lợi ích của doanh nghiệp. Tuy nhiên, ông Lân nói với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online
rằng vấn đề đặt ra là các nhà nhập khẩu có đồng ý với những điều khoản
trong hợp đồng mà Vicofa đưa ra hay không lại là chuyện khác.
Ông
Lân cho rằng, để hợp đồng xuất khẩu cà phê của Việt Nam được chấp nhận
rộng rãi thì Vicofa nên đưa vấn đề này vào Tổ chức cà phê quốc tế (ICO)
trước khi áp dụng.
Hợp
đồng xuất khẩu cà phê mà doanh nghiệp sẽ áp dụng trong niên vụ cà phê
tới sẽ có những nội dụng như chất lượng cà phê phải phù hợp với tiêu
chuẩn TCVN 4193:2001 và phải phù hợp với miêu tả trong hợp đồng. Trong
trường hợp nhận hàng, bên mua phát hiện không đúng với mẫu thì có quyền
yêu cầu giám định, chứng thư giám định…
Tranh
chấp về hợp đồng sẽ do trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam và Phòng
thương mại và công nghiệp Việt Nam giải quyết. Luật áp dụng là luật
thương mại Việt Nam và Công ước Vienna về mua bán hàng hóa quốc tế thông
qua tại Vienna, Áo năm 1980
|
Theo TBKTSG Online