Braxin
Theo dữ liệu từ Hiệp hội xuất khẩu cà phê Braxin, xuất khẩu cà phê
nhân của nước này đã giảm 30% trong tháng 4 năm nay xuống còn 1,72 triệu
bao. Lượng cà phê hòa tan và rang xay xuất khẩu cũng giảm tới 12% so
với cùng tháng năm ngoái, xuống 243.052 bao.
Trong 4 tháng đầu năm, Braxin xuất khẩu 8,57 triệu bao cà phê nhân,
giảm 22% so với cùng kỳ năm 2011 và là mức thấp nhất trong giai đoạn 4
tháng đầu năm trong 5 năm trở lại đây. Kim ngạch xuất khẩu cà phê 4
tháng cũng giảm 14% xuống 2,2 tỷ USD.
Việt Nam
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, xuất khẩu cà phê tháng 4 đã giảm
tới 19,8% về lượng và 25,1% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái, khi chỉ
có 150.000 tấn hay 2,5 triệu bao loại 60kg được xuống tàu và thu về 320
triệu USD.
Từ đầu niên vụ (tháng 10/2011) tới hết tháng 4, xuất khẩu cà phê cả
nước ước đạt 910.000 tấn tức 15,17 triệu bao, tăng 5% so với cùng kỳ vụ
trước. Kim ngạch xuất khẩu trong khi đó đạt 1,93 tỷ USD, tăng 9,8%.
Ông Nguyễn Viết Vinh, tổng thư ký hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam
(Vicofa) cho biết, xuất khẩu cà phê trong tháng 5 có thể giảm 33% so với
tháng 4. Nguyên nhân là do nông dân không mặn mà với mức giá hiện nay.
Colombia
Liên đoàn Những người Trồng cà phê Colombia (Fedecafe) cho biết, sản
lượng cà phê của nước này đã tăng 11% trong tháng 4 vừa qua so với cùng
tháng năm ngoái, đạt 580.000 bao loại 60 kg. Đây cũng là tháng sản lượng
cao nhất trong năm 2012. Xuất khẩu cà phê tuy nhiên giảm 15% xuống
495.000 bao.
Trong vòng 12 tháng tới hết tháng 4, sản lượng của đất nước là 7,1 triệu bao.
Trong vài năm qua, sản lượng của Colombia liên tục sụt giảm do thời
tiết xấu cộng với chương trình thay mới cây cà phê của chính phủ.
Fedecafe đặt mục tiêu sản lượng niên vụ 2011/12 kết thúc vào tháng 9 tới
là 8,5 triệu bao, song con số này có vẻ như tương đối xa vời.
Hiện Colombia là nhà xuất khẩu cà phê Arabica lớn thứ hai thế giới chỉ sau Braxin.
Indonesia
Xuất khẩu cà phê từ Sumatra – khu vực trồng cà phê chính của
Indonesia, nước sản xuất cà phê robusta lớn thứ 3 thế giới – bất ngờ
tăng vọt trong tháng 4 do nguồn cung tăng cộng với giá cả hợp lý.
Số liệu của văn phòng công nghiệp và thương mại Lampung cho thấy,
lượng hàng xuất khẩu của các tỉnh Lampung, Bengkulu và Nam Sumatra đã
tăng 95% trong tháng 4 so với tháng 3, lên 9.898 tấn.
Mochtar Luthfie, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu và phát triển của
Hiệp hội cà phê Indonesia chi nhánh Lampung cho hay, lượng hàng sẽ còn
tiếp tục tăng trong thời gian tới do Indonesia sẽ bước vào giai đoạn thu
hoạch rộ từ tháng 6 tới tháng 7.
3 tỉnh nói trên của Indonesia chiếm tới 75% tổng cung cà phê của nước
này, và chủ yếu là robusta. Cà phê được xuất khẩu qua cảng Panjang của
Lampung.
Theo TTVN/Bloomberg, Dow Jones