Lợi thế cạnh tranh
Nhiều năm trở lại đây, Đăk Lăk luôn là một trong những tỉnh có kim
ngạch xuất khẩu (XK) cao trong cả nước. Năm 2010, kim ngạch XK đạt 620
triệu USD, tăng 4,2% so với năm 2009. Năm 2011, con số này đã tăng lên
700 triệu USD, đạt 107,7% kế hoạch và tăng 12,9% so với năm 2010. 3
tháng đầu năm 2012, kim ngạch XK đạt khoảng 180 triệu USD, đạt 22,85%
so với kế hoạch.
Nhìn về tổng thể, yếu tố làm cho các nhà nhập khẩu nông – lâm sản ở
các nước có nhu cầu “bắt tay” với Đăk Lăk là số lượng và chủng loại các
mặt hàng XK thế mạnh của tỉnh rất phong phú. Trong đó, cà phê, cao su,
tiêu, hạt điều, mật ong, sản phẩm gỗ,… đang là những mặt hàng XK chủ
lực của tỉnh trong những năm qua.
Sản phẩm nông sản của Đăk Lăk không những được xuất đi tiêu thụ ở
các tỉnh trong nước, mà còn có mặt ở một số quốc gia khác trên thế
giới. Tiêu biểu như: Cà phê với kim ngạch XK trên 600 triệu USD/năm,
hiện đã XK sang 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, chiếm 40%
kim ngạch XK cà phê của cả nước. Tiếp theo là cao su XK 15.000 tấn/năm,
mật ong 5.000 tấn/năm, hạt tiêu 7.000 tấn/năm và xuất khẩu đồ gỗ mỹ
nghệ sang các thị trường Mỹ, Canada, Nhật Bản, EU…, góp phần phát triển
kinh tế địa phương.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng từng bước đầu tư đổi mới công nghệ, đa dạng
hóa chế biến sâu một số sản phẩm XK khác, như: cà phê bột, cà phê hòa
tan, gỗ tinh chế, mỹ nghệ, mây tre đan, may mặc,… Về lâu dài, Đăk Lăk
sẽ XK thêm các sản phẩm nông sản mới như: ca cao…
Nhiều biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu
Tuy có không ít những lợi thế để tăng trưởng XK nhưng trong những tháng đầu năm 2012, XK của tỉnh gặp không ít khó khăn.
Thực tế, kim ngạch XK trên địa bàn tương đối lớn nhưng cà phê vẫn
chiếm trên 80% giá trị XK toàn tỉnh. Vì vậy, khi nội tại mặt hàng cà
phê có những thay đổi tiêu cực hoặc các chính sách thắt chặt tiền tệ,
lãi suất vay cao tác động trực tiếp tới hoạt động XK cà phê thì ngay
lập tức nhiều DN xuất nhập khẩu bị động về lượng vốn kinh doanh.
Trong khi đó, các DN có vốn đầu tư nước ngoài được vay bằng USD có
lãi suất thấp, lượng vốn được cung ứng đủ từ công ty mẹ nên khả năng
cạnh tranh trong thu mua nguyên liệu tốt hơn doanh nghiệp trong nước.
Mặt khác, khả năng ứng phó với thị trường biến động của các DN trong
nước kém hơn. Các DN trong nước chưa khai thác được thị trường bán trực
tiếp cà phê nhân cho các nhà rang xay nên còn bị các nhà mua bán trung
gian ép giá (hiện mới có Công ty TNHH MTV 2/9 xuất được trực tiếp cho
các nhà rang xay khoảng 37% lượng hàng). Ngoài ra, các khâu lưu thông
nội địa (hệ thống đại lý, thu gom…), chất lượng sản phẩm, liên kết với
vùng nguyên liệu… vẫn chưa được cải thiện nhiều.
Đơn cử như, 3 tháng đầu năm 2012, một số mặt hàng XK của địa phương
có dấu hiệu sụt giảm như: Cà phê giảm 13% về giá, giảm 3,7% về lượng;
hạt tiêu tuy tăng 28% về giá nhưng giảm tới 58,5% về lượng; cao su giảm
35,5% về lượng và giảm tới 52% về giá.
Trước thực trạng trên, nhằm từng bước đẩy mạnh hoạt động XK, Đăk Lăk
đã đưa ra nhiều giải pháp. Trong đó, chú trọng duy trì, phát triển các
làng nghề truyền thống mang phong cách độc đáo như: các hợp tác xã,
làng nghề thổ cẩm, rượu cần, thủ công mỹ nghệ… nhằm mục đích bảo tồn
bản sắc văn hóa Tây Nguyên. Đồng thời, giải quyết việc làm cho lao động
địa phương, mở rộng thêm các mặt hàng XK cho tỉnh.
Cùng với đó, công tác thông tin, xúc tiến thương mại được chú trọng;
xây dựng thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột và tổ chức thành công các lễ
hội cà phê Buôn Ma Thuột mang tầm quốc tế; đầu tư và đẩy mạnh tới hoạt
động Trung tâm giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột để góp phần nâng cao uy
tín, chất lượng sản phẩm cà phê XK.
Theo Công Thương