Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Lăk Trần Hiếu, từ đầu năm đến nay,
trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk, nơi có sản lượng càphê nhiều nhất nước, các
doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã mua trên 60% sản lượng cà
phê của tỉnh.
Trong quý I, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk chỉ thu mua,
xuất khẩu 82.000 tấn cà phê, giảm 38.000 tấn so với kế hoạch.
Nhiều doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu cà phê lớn trên địa bàn tỉnh
như công ty cà phê Tây Nguyên, Công ty cổ phần đầu tư xuất nhập khẩu Đăk
Lăk… đều không mua được đủ nguồn hàng cà phê xuất khẩu theo kế hoạch.
Không ít doanh nghiệp thu mua xuất khẩu cà phê trong nước còn bị động,
vỡ hợp đồng vì không có đủ nguồn hàng giao cho các đối tác theo đúng kế
hoạch.
Theo ông Trần Hiếu, nguyên nhân là do các doanh nghiệp có vốn đầu tư
nước ngoài có vốn lớn, lãi suất vay USD thấp, trong khi đó, các doanh
nghiệp thu mua xuất khẩu cà phê trong nước vốn ít, lãi vay ngân hàng lại
quá cao, có lúc cao gấp 6 đến 7 lần so với vốn vay của các doanh nghiệp
có vốn đầu tư nước ngoài.
Ông Hiếu cũng thừa nhận, các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp
nước ngoài thông qua các đại lý để thu mua càphê sẽ tạo môi trường canh
tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, qua đó,
người dân được hưởng lợi nhiều nhất từ cơ chế giá cạnh tranh.
Ông Trần Hiếu cũng kiến nghị với Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cần có
cơ chế đặc thù về vốn vay để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thu mua
xuất khẩu cà phê trong nước nói chung, Đăk Lăk nói riêng đủ sức cạnh
tranh trong việc thu mua xuất khẩu cà phê này.
Theo TTXVN