Qua thanh tra, đã phát hiện 15 tổ chức, cá nhân, đơn vị vi phạm với
số tiền phạt hành chính 121 triệu đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu là
sản xuất, kinh doanh phân bón hết hạn sử dụng, hàm lượng không đúng với
đăng ký trên bao bì; trong số 90 mẫu phân bón được lực lượng thanh tra
gửi đi kiểm nghiệm thì gần 50% mẫu không đạt tiêu chuẩn theo đăng ký.
Điển hình là sản phẩm phân bón NPK 20-5-5 kém chất lượng do Công ty Cổ
phần Phân bón Mỹ Việt ở địa chỉ 30/5/30A Nguyễn Văn Quá, quận 12 (TP.
Hồ Chí Minh) sản xuất. 10 tấn phân bón NPK 20-5-5 kém chất lượng này
được bày bán tại Công ty TNHH MTV xăng dầu Ngọc Hiếu, thôn Tân Hòa 2,
xã Ea Knuêc, huyện Krông Pak. Sau hai lần gửi mẫu đi kiểm tra chất
lượng tại Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón vùng Nam Bộ thuộc Cục
trồng trọt, Bộ NN&PTNT, Thanh tra Sở đã kết luận Công ty Cổ phần
phân bón Mỹ Việt có sai phạm trong sản xuất, kinh doanh phân bón kém
chất lượng và lập biên bản vi phạm hành chính; đồng thời, đề nghị UBND
tỉnh ban hành quyết định xử phạt với số tiền 55 triệu đồng.
Trên địa bàn tỉnh hiện có hàng chục sản phẩm phân bón được bán trên
thị trường, trong đó có sản phẩm của 15 đơn vị sản xuất, kinh doanh
phân bón hữu cơ trong tỉnh. Mặc dù trong thời gian qua, Thanh tra Sở
NN&PTNT và các lực lượng chức năng đã tăng cường công tác thanh
tra, kiểm tra nhưng do địa bàn rộng, trong khi lực lượng thanh tra
chuyên ngành còn thiếu nên việc kiểm soát phân bón kém chất lượng trên
thị trường gặp rất nhiều khó khăn.
Ông Hoàng Thái Dương, Chánh Thanh tra Sở NN&PTNT cho biết: “Hiện
nay, số lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón rất nhiều trong khi
lực lượng thanh tra Sở NN&PTNT tỉnh và thanh tra của các cơ quan
chức năng khác mỗi năm chỉ tổ chức được 2 cuộc thanh tra về vật tư nông
nghiệp, thời gian còn lại thì làm việc khác. Chính vì công tác thanh
tra lĩnh vực vật tư nông nghiệp không thường xuyên nên việc kiểm soát
phân bón kém chất lượng trên địa bàn là rất khó khăn; các cơ sở sản
xuất, kinh doanh phân bón chỉ chấp hành tốt quy định của pháp luật
trong thời gian thanh tra”. Ngoài ra, một khó khăn nữa trong việc kiểm
soát phân bón kém chất lượng là công tác kiểm định. Để kiểm định được
mẫu phân bón, Thanh tra Sở NN&PTNT phải gửi ra Trung tâm Khảo kiểm
nghiệm phân bón ở Đà Nẵng hoặc TP. Hồ Chí Minh và nhiều khi phải chờ cả
tháng mới có kết quả. Trong khi đó, những lô phân bón bị nghi kém chất
lượng vẫn được tiêu thụ trên thị trường.
Ông Hoàng Thái Dương cũng khuyến cáo người dân khi mua phân bón như
sau: “Khi mua vật tư nông nghiệp, nhất là phân bón, người dân cần lựa
chọn những sản phẩm có bao bì, nhãn mác, xuất xứ rõ ràng, còn thời gian
bảo hành; nên sử dụng những sản phẩm thông dụng, được nhiều người sử
dụng đã mang lại hiệu quả, không nên ham rẻ, vì lợi ích trước mắt mà
mua những sản phẩm giá rẻ nhưng chất lượng không bảo đảm gây thiệt hại
về kinh tế”.
Cũng cần phải nói thêm rằng, do nhận thức chưa đầy đủ và thói quen
mua hàng không lấy hóa đơn của người dân nên khi phát hiện mua phải
phân bón kém chất lượng thì các cơ quan chức năng cũng không biết căn
cứ vào đâu để xử lý. Vì vậy, để tránh mua phải phân bón kém chất lượng,
mỗi người dân cần phải trang bị đầy đủ kiến thức và những thông tin cần
thiết về những sản phẩm cần mua.
Trần Cường
Theo Báo Đak Lak điện tử