Hôm nay (5/4), UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức đánh giá kết quả 4 năm
triển khai Đề án phát triển cà phê bền vững và triển khai nhiệm vụ
trong thời gian tới.
Đề án phát triển cà phê bền vững được UBND tỉnh Đắk Lắk xây dựng năm
2008, khi tỉnh có hơn 150.000 ha cà phê. Mục tiêu mà đề án đặt ra đến
năm 2015 và định hướng đến năm 2020 là giữ ổn định diện tích, sản lượng
hàng năm đạt khoảng 400.000 tấn, giải quyết viêc làm cho khoảng 500.000
lao động…
Qua 4 năm thực hiện đề án này, tỉnh đã huy động được hơn 78 tỷ đồng
để hỗ trợ sản xuất, hình thành các Liên minh sản xuất và xuất khẩu cà
phê; hỗ trợ chuyển giao khoa học công nghệ sản xuất cà phê, xây dựng cơ
sở hạ tầng, đầu tư trang thiết bị và xây dựng các mô hình điểm về sản
xuất cà phê bền vững ở một số địa phương trong tỉnh.
Theo ông Trương Văn Chỉ, Phó Chủ tịch UBND huyện Chư M’gar, một
trong những huyện trọng điểm cà phê của Đắk Lắk, bước đầu đề án phát
triển cà phê bền vững của tỉnh đã đi đúng hướng. Với đề án này, huyện
đã thành 2 hợp tác xã và hơn 20 câu lạc bộ, với 3.800 hộ được cấp giấy
chứng nhận sản xuất cà phê bền vững.
Ông Trương Văn Chỉ cho biết: “Qua chương trình này, người sản xuất
cà phê đã nhận thức được lợi ích trước mắt và lâu dài khi áp dụng
chương trình này. Đây là điều đáng mừng. Vì vậy trong thời gian đến,
vấn đề quan tâm của huyện là đầu tư chuyển giao khoa học kỹ thuật để
nâng cao chất lượng và năng suất cà phê, tiếp tục mở rộng các hợp tác
xã, các mô hình sản xuất cà phê bền vững ở các xã còn lại, tập trung
cho đầu tư thâm canh nâng cao chất lượng cà phê. Đây là sự sống còn của
sản xuất cà phê trong thời kỳ hội nhập”.
Tuy đề án phát triển cà phê bền vững của Đắk Lắk đạt được thành công
bước đầu trong việc tổ chức lại sản xuất cho hiệu quả hơn, nhưng lại
không đạt được mục tiêu giữ ổn định diện tích. Đến năm nay, Đắk Lắk đã
có 200.000 ha cà phê, vượt 50.000 ha. Điều này đang gây sức ép lớn về
nguồn nước tưới trong mùa khô, ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển bền
vững đã đề ra./.
Theo VOV