Tiếng việt English 
   
Cơ sở Cà phê Bột Phượng
Công ty CP Đầu tư XNK Đăk Lăk
Công ty TNHH PM Coffee
Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ công bằng Ea Tu
Công ty TNHH MTV XNK 2/9 Đắk Lắk
HTX Nông nghiệp dịch vụ công bằng Ea Kiết
Công ty TNHH MTV Cà Phê 15
Công ty cổ phân đầu tư và phát triển An Thái
VIDEO CLIP
THỐNG KÊ TRUY CẬP
 
Số người truy cập
721389
 
Đang trực tuyến
28864
TIN TỨC
Doanh nghiệp cạnh tranh - nông dân hưởng lợi
“Có thể ông Đặng Lê Nguyên Vũ sẽ không mấy vui khi nghe tôi nói điều này, nhưng tôi tin chắc rằng mọi thứ tốt đẹp chỉ được thực hiện trong một môi trường cạnh tranh. Đặc biệt, những người với tính cách như ông Vũ lại càng cần có những đối thủ cạnh tranh, bởi chính điều đó mới kích thích khả năng sáng tạo của ông ta.” – GS Timmer.

Theo báo Công an HCM, ngày 17-3-2012, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã làm việc với Công ty cà phê Trung Nguyên về dự án “Mô hình cụm ngành cà phê quốc gia Mô hình nông thôn mới tích hợp liên hoàn” tại nhà máy cà phê Trung Nguyên, tỉnh Đắk Lắk.

Bài liên quan: > Trung Nguyên đề xuất dự án cụm ngành cà phê quốc gia

Theo đó, mô hình cụm ngành cà phê quốc gia là mô hình chiến lược tổng thể cho toàn ngành cà phê Việt Nam, nhằm gia tăng giá trị xuất khẩu của cà phê đạt 20 tỷ USD, gấp 10 lần giá trị hiện nay (2,4 tỷ USD năm 2011), đồng thời, tạo ra 5 – 6 triệu việc làm thông qua mô hình nông – công nghiệp cà phê, triển khai tại Đắk Lắk.

Những người xây dựng đề án này cũng kỳ vọng rằng đây cũng sẽ là mô hình nông – công nghiệp mẫu có thể nhân rộng, lắp ghép phù hợp với các mô hình phát triển nông nghiệp Việt Nam.

Chắc chắn, khi được công khai hoá, đề án đầy tham vọng này sẽ nhận được đầy đủ các ý kiến khen chê, nhất là liên quan đến tính khả thi của nó. Và chặng đường phía trước của Tập đoàn Trung Nguyên và ông chủ Đặng Lê Nguyên Vũ sẽ không phải là được trải toàn hoa hồng, mà lẫn với đầy gai của nó.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận một điều rằng đề án này xuất phát từ một tầm nhìn rộng và xa, một ý tưởng không hề điên rồ, và được xây dựng hết sức nghiêm túc, với sự tham gia của nhiều chuyên gia trong và ngoài nước, trong đó có GS Timmer (ĐH Harvard)- thông qua cả sự chia sẻ, và phản biện của ông.

Phóng viên Huỳnh Phan: Lần đầu tiên Giáo sư gặp ông Đặng Lê Nguyên Vũ là khi nào?

GS Timmer: Tháng 11.2010, khi tôi tới Hà Nội dự một hội thảo quốc tế về lúa gạo. Ông Vũ muốn gặp tôi, và chúng tôi gặp nhau ở Hilton, cùng với 4-5 người khác nữa.

Ấn tượng đầu tiên của Giáo sư về đề án mà ông Vũ theo đuổi?

Theo cảm nhận của tôi qua buổi nói chuyện đó, ông ta là người có viễn kiến rõ ràng, đặc biệt là về văn hoá cà phê toàn cầu. Ông ta muốn xây dựng một tinh thần cà phê trong một chu trình khép kín, từ người trồng cà phê đến người tiêu thụ cà phê.

Tôi là một nhà kinh tế học lớn lên từ một nông trại, nên tôi có cách nhìn thực tiễn. Và điều khiến tôi ngạc nhiên nhất chính là việc ông ta đã không mất nhiều thời gian để làm cho tôi hiểu viễn kiến của ông ta.

Cần nhớ rằng tôi là người có tư duy phản biện rất mạnh, còn ông ta lại rất tự tin. Vì thế, chúng tôi đã cảm thấy rất thích thú khi trao đổi với nhau.

Cuộc nói chuyện kéo dài bao lâu?

Khoảng 2 tiếng, tất nhiên phải thông qua phiên dịch. Mặc dù, trước đó, chúng tôi chỉ định gặp nhau khoảng 30 phút. Tôi không có nhiều thời gian ở Hà Nội.

Giáo sư có tự hỏi là tại sao ông Vũ lại chọn ông để nói điều đó không?

Có chứ. Nhưng tôi không mất thời gian đoán già đoán non, mà đã chọn cách hỏi thẳng ông ta.

Và câu trả lời?

Ông ta đã giải thích rằng ông ta tìm đến tôi bởi vì tôi hiểu rõ vai trò của nông nghiệp trong sự phát triển của kinh tế nói chung. Chuyên môn của tôi là nghiên cứu lịch sử kinh tế qua nhiều thế kỷ, và là một chuyên gia về lúa gạo.

4743df0f6d96dc3444828b7b098c71e5 Doanh nghiệp cạnh tranh   nông dân hưởng lợi

GS Timmer.

Giáo sư có nhận xét gì về mô hình phát triển cà phê của ông Vũ?

Tôi có thể hình dung thấy hình mẫu phát triển cà phê trong đầu ông ta là người nông dân thành công, nghề trồng cà phê bền vững, và tất cả những thứ đó sẽ khuyến khích kinh tế nông thôn, và nền kinh tế thế giới nói chung, phát triển. Và tôi đã giải thích cho ông ta, theo tư duy của tôi, làm sao để điều đó có thể thực hiện được.

Tôi nghĩ ông ta hiểu điều đó với tầm nhìn của ông ta, nhưng chưa có ý niệm rõ ràng về việc liên kết tầm nhìn về phát triển cà phê bền vững với chiến lược phát triển của Việt Nam nói chung. Nhấn mạnh mối liên kết đó là điều tôi đã làm được trong cuộc trao đổi hôm đó.

Liệu sự tham gia của nhiều doanh nghiệp tư nhân sẽ làm xua tan mối hoài nghi rằng trong mô hình này chính doanh nghiệp, chứ không phải người nông dân, được hưởng lợi nhiều hơn?

Đúng vậy, miễn là các doanh nghiệp phải cạnh tranh với nhau, chứ không phải “bắt tay” với nhau, trong quan hệ với người nông dân. Bởi trong trường hợp thứ hai, người nông dân sẽ thiệt thòi. Bởi mọi sự độc quyền đều dẫn tới sự thiệt thòi cho cả nông dân lẫn người tiêu dùng.

Có thể ông Vũ sẽ không mấy vui khi nghe tôi nói điều này, nhưng tôi tin chắc rằng mọi thứ tốt đẹp chỉ được thực hiện trong một môi trường cạnh tranh. Đặc biệt, những người với tính cách như ông Vũ lại càng cần có những đối thủ cạnh tranh, bởi chính điều đó mới kích thích khả năng sáng tạo của ông ta.

Ý Giáo sư là không phải là cà phê kích thích sáng tạo, như ông Vũ nói, mà là cạnh tranh, tất nhiên là cạnh tranh lành mạnh, mới thực sự kích thích sáng tạo?

(Cười) Đó cũng là một điểm mà tôi không chia sẻ với ông Vũ. Theo tôi, chính sáng tạo đã khiến cho nhu cầu tiêu thụ cà phê lớn hơn, chứ không phải cà phê kích thích sáng tạo.

Chúng tôi đã tranh luận về một mô hình ở Malaysia, khi xưởng chế biến dầu cọ nằm trong một đồn điền với tư cách trung tâm, còn các nông dân xung quanh nhận trợ giúp kỹ thuật, hay phân bón từ trung tâm này và bán sản phẩm cho họ. Nhưng họ là những nông dân độc lập.

Liệu mô hình này có thể áp dụng cho cà phê ở Đắk Lắk hay không? Ông Vũ có một đồn điền rộng vài trăm héc ta, nơi ông định xây dựng thánh địa cà phê. Xung quanh đó là các nông trại cà phê nhỏ, rộng chỉ 1 hoặc 2 héc ta của nông dân. Vậy mối quan hệ giữa đồn điền của ông Vũ, nơi sẽ có nhà máy chế biến cà phê, và những nông trại cà phê của nông dân như thế nào?

Có 3 cách. Cách thứ nhất, người nông dân có thể bán cà phê cho bất cứ ai, không nhất thiết là cho Trung Nguyên. Đó là cạnh tranh.

Cách thứ hai, họ có thể ký hợp đồng với ông Vũ, với tư cách là nhà chế biến với giá thoả thuận trước. Tức là người nông dân chủ động được đầu ra, còn nhà chế biến chủ động được nguồn cung.

Cách thứ ba, nhà chế biến thuê đất của người nông dân, còn người nông dân trở thành người làm thuê cho nhà chế biến, và lĩnh lương tháng. Họ trở thành những “công nhân” nông nghiệp.

Nếu được mời làm cố vấn cho dự án, Giáo sư sẽ khuyên họ chọn cách nào?

Tôi nghĩ cách thứ hai, về lý thuyết, là đẹp nhất. Tuy nhiên, vẫn có một rắc rối nhiều khi giá thị trường thực tế lại trồi trụt đáng kể so với giá thoả thuận ban đầu. Có lẽ nên có một mức bảo hiểm nào đó trên cơ sở giá sàn.

Theo tôi, trong mọi trường hợp, cần để cho người nông dân được hưởng phần hơn, bởi có vậy họ mới chuyên tâm đầu tư vào chất lượng cà phê, hay áp dụng kỹ thuật mới để nâng cao năng suất. Có như vậy nguồn cung cà phê mới bền vững, và mang lại nguồn lợi về dài hạn cho doanh nghiệp.

Mô hình này liệu có nên áp dụng cả với doanh nghiệp trong nước và nước ngoài?

Theo tôi, không nên có giới hạn, hay sự phân biệt ở đây. Thế mạnh của nhà chế biến nước ngoài là họ có sự tiếp cận tốt hơn đối với thị trường cà phê cao cấp.

Chẳng hạn, tôi thực sự vui nếu Starbucks có mặt ở Buôn Ma Thuột. Bởi sự có mặt của Starbucks sẽ khiến cà phê Buôn Ma Thuột được “dán mác” trên thị trường toàn cầu – điều mà tôi tin rằng hiện tại không công ty Việt Nam nào có thể làm được, chí ít là trong ngắn hạn và trung hạn.

Thế nhưng, nhược điểm của các nhà chế biến nước ngoài là không hiểu những người trồng cà phê ở đây, và quan hệ với nguồn cung chắc chắn sẽ kém xa các nhà chế biến nội địa. Tôi nghĩ cuộc tranh tranh sẽ rất thú vị, và khiến người nông dân có lợi nhất.

Giáo sư có nghĩ rằng ông Vũ sẽ lại không vui khi nghe điều này?

Tôi không nghĩ vậy. Ông ta mời tôi vào đây là để nghe sự phản biện độc lập của tôi. Hơn nữa, ông ta đủ tự tin để chấp nhận cạnh tranh. Ông ta biết chuẩn bị một đội ngũ chuyên gia để làm việc đó, và chuẩn bị sẵn tầm nhìn cho tương lai, bởi ông ta tin rằng ông ta dự đoán được xu hướng của thị trường cà phê thế giới trong tương lai.

Vì vậy, ông ta sẽ không nghĩ rằng GS Timmer đang chỉ trích mô hình mà Trung Nguyên đang theo đuổi, mà sẽ cho rằng GS Timmer đang chỉ ra cho ông ta trước những thách thức để ông ta phải chuẩn bị sẵn sàng để đón nhận nó.

5ac9c47e5ff34393bff782a1e96b2936 Doanh nghiệp cạnh tranh   nông dân hưởng lợi

Với viễn cảnh đó, Giáo sư có nghĩ rằng những công ty nội địa như Trung Nguyên và những công ty nước ngoài như Starbucks vừa là đối thủ cạnh tranh ở đây, lại vừa là những người đồng hành trong việc đưa thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột ra thế giới?

Nếu tôi làm việc trong văn phòng của Chủ tịch Trung Nguyên, nhưng xin lỗi là tôi quá bận nên khó có thể chấp nhận lời đề nghị nếu có này của ông Vũ (cười), tôi sẽ đề xuất việc thành lập một liên doanh với Starbucks, hoặc Peet’s – một thương hiệu cà phê (quán) nhỏ hơn, nhưng lại rất quan trọng trong phân khúc thị trường cà phê cao cấp.

Tức là sao? Tức là tôi có thể là nguồn cung cấp cà phê Buôn Ma Thuột, được xác nhận về chất lượng đẳng cấp, cho anh, tuỳ số lượng mà anh thấy có thể bán, và chia sẻ lợi nhuận, trong khi phải đảm bảo một cái giá thoả đáng để người trồng cà phê cảm thấy vui vẻ, như một điều khoản của hợp đồng.

Hơn nữa, Starbucks có thể kể câu chuyện Tây Nguyên hay hơn. Họ sẽ nói với người tiêu dùng rằng “chúng tôi biết rõ rằng cà phê Buôn Ma Thuột được trồng với kỹ thuật phù hợp với các tiêu chí phát triển bền vững, và việc các vị tiêu dùng cà phê đã giúp cho con cái những người trồng cà phê ở Đắc Lắc có thể đến trường, hay tiếp cận được với dịch vụ y tế.

Với kiến thức và trải nghiệm của mình, tôi tin chắc rằng người tiêu dùng ở Mỹ và châu Âu thực sự muốn nghe và muốn tin vào điều tốt đẹp đó.

Giáo sư thực sự cho rằng Trung Nguyên, nếu tự làm điều này, sẽ gặp khó khăn bội phần?

Tôi chưa hình dung được rõ ràng việc Trung Nguyên có thể xây dựng được hệ thống quán cà phê ở Mỹ, hay châu Âu, trong cái lộ trình mà ông Vũ đưa ra. Tôi nghĩ sẽ thực tế hơn nếu ông ta tham gia vào hệ thống sẵn có, thay vì giới thiệu với người tiêu dùng Âu -Mỹ hệ thống quán cà phê, thương hiệu Trung Nguyên, cùng với cái triết lý mới của mình (cà phê triết đạo).

Tại sao vậy? Ông ta đã có quán cà phê Trung Nguyên ở London, New York, Los Ageles, hay Lousiana, và có thể tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba số lượng đó. Nhưng nhiều hơn thì khó đấy, bởi ông ta khó có thể thành công khi làm cả hai việc cùng một lúc. Trong khi đó, hệ thống Starbucks có tới 3000 quán.

Vì vậy, khôn ngoan hơn là hãy tham gia vào hệ thống phân phối sẵn có đó để làm đòn bẩy cho việc xây dựng mô hình kinh tế cà phê mới ở Đắk Lắk – mô hình cà phê bền vững. Khi đã thành công bước này rồi, lúc đó hãy tiếp tục làm bước khác.

Giáo sư có nghĩ rằng Starbucks, hay Peet’s sẽ sẵn sàng với sự hợp tác này không?

Chắc chắn. Bởi họ luôn mong muốn có một nguồn cung ứng cà phê chất lượng cao, ổn định và với những câu chuyện mới cho người tiêu dùng.

Những câu chuyện mới?

Chẳng hạn, ở San Franscisco nơi tôi sống, có quán cà phê có trương hình người nông dân trồng cà phê từ Costa Rica. Tôi nghĩ người uống cà phê muốn được nhìn thấy một hình ảnh mới – người nông dân trồng cà phê ở Tây Nguyên.

Giáo sư có uống cà phê thường xuyên không?

Không. Người uống cà phê hàng ngày, loại cà phê hảo hạng, là vợ tôi. Chúng tôi mua từ quán Peet’s. Tôi vừa mail cho vợ nói rằng cà phê Buôn Ma Thuột rất ngon, và tôi muốn vợ tôi thử nó.

Tôi chỉ uống cà phê khi đi công tác, bởi ở khách sạn tôi tin rằng tôi có thể tìm được loại cà phê hảo hạng tôi muốn, còn trà thì không. Ở nhà, tôi thường uống trà vào bữa sáng, và rượu vang đỏ vào bữa tối.

Xin cám ơn Giáo sư!

Theo Tuần Việt Nam

HÌNH ẢNH
BẢN ĐỒ