Song, thế mạnh đó chưa được phát huy một cách hiệu quả trong những
năm qua. Do đó, tái cơ cấu, quy hoạch lại ngành cà-phê toàn vùng và
liên kết "bốn nhà" trong sản xuất và xuất khẩu đang là những điều kiện
quyết định sự tồn tại và phát triển bền vững của ngành cà-phê Việt Nam.
Liên kết tạo ra sức mạnh
Sớm nhận thấy sự suy giảm năng suất và chất lượng từ những vườn
cà-phê già cỗi, năm 2007, ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Ðồng đã triển khai
mô hình ghép cải tạo giống cà-phê giai đoạn 2007 - 2011, bước đầu thí
điểm trên địa bàn huyện Bảo Lâm. Ðến nay, sau năm năm triển khai thực
hiện, huyện có 27.335 ha cà-phê, đã thực hiện chuyển đổi được 9.025 ha,
trong đó ghép cải tạo 8.220 ha, tái canh và trồng mới 805 ha. Kết quả
cho thấy, nếu như năm 2007, sản lượng cà-phê toàn huyện chỉ đạt 54.646
tấn thì đến năm 2011, con số này là 63 nghìn tấn, năng suất bình quân
tăng từ 21,5 tạ/ha lên đến 24 tạ/ha. Tính trung bình mỗi năm, sản lượng
cà-phê toàn huyện tăng hơn 2.000 tấn cà-phê nhân, giá trị tăng thêm hơn
90 tỷ đồng/năm. Từ nay đến năm 2015, huyện Bảo Lâm đặt ra chỉ tiêu sản
lượng đạt 67 nghìn tấn/năm, năng suất đạt hơn 25 tạ/ha.
Là một trong những hộ gia đình tham gia chương trình ghép cải tạo
giống cà-phê ngay từ khi huyện bắt đầu triển khai, anh Ðào Duy Phi,
thôn 9, xã Lộc Nam, huyện Bảo Lâm phấn khởi cho biết: Nếu tính giá
cà-phê tại thời điểm này, một ha cà-phê chưa ghép cải tạo chỉ thu được
2,3 tấn nhân, giá trị đạt 92 triệu đồng. Trong khi vườn cà-phê được
ghép sau ba năm, năng suất năm tấn nhân/ha, đã cho giá trị 200 triệu
đồng. Trừ chi phí đầu tư công lao động, phân bón và chăm sóc, thu hoạch
khoảng 50%, giá trị lợi nhuận đạt được là 100 triệu đồng/ha. Không
riêng gia đình anh Phi, mà nhiều gia đình ở huyện Bảo Lâm đã thoát
nghèo, đổi đời nhờ mạnh dạn tham gia chương trình ghép cải tạo cây
cà-phê đạt hiệu quả, cho năng suất cao. Tại xã Lộc Ngãi, đã giảm nghèo
được 450 hộ, và gần 400 hộ xây được nhà ở, có sân phơi cà-phê.
Thực tế cho thấy, mô hình ghép cải tạo giống tại huyện Bảo Lâm là
một hướng đi cho kết quả tốt. Trong mô hình này, sự liên kết có thể
nhìn thấy rõ từ chính quyền, Hội Nông dân, các kỹ thuật viên, các ngân
hàng và hộ dân. Ðơn cử như để giải quyết vấn đề khó khăn nhất là vốn,
Hội Nông dân phối hợp các ngân hàng nông nghiệp, ngân hàng chính sách
xã hội cho nông dân vay vốn hàng trăm tỷ đồng để mua sắm vật tư nông
nghiệp, chăm sóc cây cà-phê. Từ kết quả này, ngành nông nghiệp tỉnh Lâm
Ðồng vừa tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm để nhân rộng ra địa bàn toàn
tỉnh.
Nếu như Lâm Ðồng chọn phương án ghép cải tạo giống để trẻ hóa vườn
cà-phê, thì ở Ðác Lắc có Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu 2-9 từ năm
2009 đến nay, để tồn tại và phát triển, đã lựa chọn cách đi riêng cho
mình bằng Dự án cà-phê bền vững, áp dụng theo bộ tiêu chí UTZ. Ban đầu
dự án có 671 hộ nông dân tham gia, đến nay đã có 2.350 hộ với 3.750 ha,
cho sản lượng 12.500 tấn/năm.
Trao đổi ý kiến với chúng tôi về hiệu quả của dự án, ông Nguyễn Tiến
Dũng, cán bộ dự án cho biết: Khi thực hiện dự án cà-phê bền vững, công
ty cam kết bao tiêu tất cả sản phẩm cho bà con nông dân tham gia với
mức giá minh bạch. Ðặc biệt, giá sẽ được cộng thêm 200 đồng/kg tính tại
thời điểm thu mua. Công ty sau đó bán trực tiếp sản phẩm cho nhà máy
rang xay bảo đảm chất lượng theo các tiêu chuẩn kỹ thuật và yêu cầu của
nhà nhập khẩu. Ông Dũng khẳng định: Ðây là một cách làm hiệu quả trước
làn sóng thu mua nguyên liệu của các doanh nghiệp nước ngoài. Nếu không
liên kết cùng người dân, doanh nghiệp rất khó đứng vững, nhất là trong
điều kiện thị trường phức tạp như hiện nay.
Khi được hỏi về lợi ích của việc tham gia mô hình này, chị Ðào Thị
Tý, thôn 3, xã Ea kao, TP Buôn Ma Thuột cho biết: Dự án đã làm cho
những người trồng cà-phê như chúng tôi yên tâm vào quá trình sản xuất.
Từ giống, kỹ thuật, vốn đều được tư vấn và hỗ trợ. Sản phẩm thì công ty
bao tiêu hết, cho nên không lo tồn đọng. Người trồng cà-phê chỉ quan
tâm việc chăm sóc, thu hoạch sao cho đúng kỹ thuật để cà-phê có chất
lượng tốt nhất. Thôn 3 có 173 hộ dân thì hiện đã có 58 hộ tham gia dự
án với 127 ha cà-phê.
Quy hoạch lại ngành cà-phê
Cà-phê được coi là loại cây trồng chủ lực của vùng Tây Nguyên, với
diện tích và sản lượng chiếm hơn 90% diện tích cây cà-phê của cả nước.
Tuy nhiên cho đến nay, mới chỉ có Ðác Lắc có Nghị quyết 08 về "Phát
triển cà-phê bền vững". Vì vậy, để cây cà-phê đứng vững trên đất Tây
Nguyên và khẳng định thương hiệu cà-phê Việt Nam, cần có chủ trương,
chính sách và những giải pháp đồng bộ để quy hoạch lại ngành sản xuất
cà-phê theo hướng chuyên nghiệp, quy mô lớn chứ không thể manh mún,
nhỏ lẻ như hiện nay.
Trong cuộc trao đổi ý kiến với chúng tôi, Phó Bí thư Thường trực
Tỉnh ủy Ðác Lắc Hoàng Trọng Hải trăn trở: "Ðác Lắc có diện tích cà-phê
lớn nhất nước nhưng số hộ có quy mô sản xuất hơn hai ha chỉ có 7%, từ
một đến hai ha khoảng chiếm 24%. Trong khi số hộ sở hữu diện tích
cà-phê dưới 0,5 ha vẫn chiếm số đông khoảng 35%, còn số hộ có từ 0,5
đến một ha chiếm khoảng 34%. Với quy mô như thế, rõ ràng không thể
hướng tới một ngành cà-phê chuyên nghiệp, có khối lượng hàng hóa tập
trung, phù hợp các tiêu chuẩn thế giới".
Cùng với mở rộng quy mô, cần phát huy tốt nhất lợi thế về đất đai,
khí hậu để bảo đảm năng suất, chất lượng cà-phê. Các địa phương thực
hiện trồng thay thế hoặc tái canh những diện tích cà-phê già cỗi ở
những nơi có điều kiện sinh thái phù hợp, đồng thời giảm diện tích ở
những nơi đất xấu, không có nguồn nước tưới, diện tích hay bị sâu bệnh
nặng để chuyển sang cây trồng khác mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Ðồng thời kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ chất lượng cây giống cà-phê,
phát triển giống cà-phê, tập trung nhận, chuyển giao nhanh các giống
cà-phê vối có năng suất, chất lượng cao đã được Nhà nước công nhận để
cung cấp cho các địa phương làm nguồn giống đầu dòng.
Ðối với người sản xuất, phải tổ chức tuyên truyền, phổ biến, triển
khai, tập huấn áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác cà-phê bền vững,
nhất là các biện pháp tưới nước tiết kiệm, bón phân hợp lý, trồng cây
bóng mát, quản lý dịch hại tổng hợp... Trong khi đó, để tạo điều kiện
cho người thu mua, xuất khẩu tiếp cận trực tiếp các thị trường và các
nhà máy rang xay lớn trên thế giới thì phải chủ động mở rộng phát triển
các hình thức liên kết hợp tác trong sản xuất, chế biến, xuất khẩu
cà-phê, vận hành Sàn giao dịch cà-phê Buôn Ma Thuột có hiệu quả hơn. Từ
đó nâng cao giá trị gia tăng của cà-phê thông qua chế biến sâu, xây
dựng tiêu chuẩn và phát triển thương hiệu. Còn như hiện nay, ngay trên
địa bàn tỉnh Ðác Lắc có khoảng 10 doanh nghiệp chế biến cà-phê bột,
cà-phê hòa tan nhưng quy mô chưa thật sự lớn, cho nên tỷ lệ cà-phê chế
biến sâu chỉ mới chiếm khoảng 7 đến 8% tổng sản lượng cà-phê từng niên
vụ. Vì thế, theo tính toán, với việc cung cấp cà-phê thô, đến nay,
người nông dân mới chỉ nhận được 20% giá trị thực của hạt cà-phê.
Cuối cùng, để ngành cà-phê phát triển bền vững, bên cạnh việc huy
động nguồn đầu tư từ nhân dân nhằm gắn bó trách nhiệm lâu dài với chất
lượng, hiệu quả vườn cà-phê, cần bố trí nguồn vốn tín dụng quay vòng
với lãi suất ưu đãi để các doanh nghiệp có thể vay vốn chủ động mua tạm
trữ cà-phê khi cần thiết, nhằm can thiệp kịp thời khi giá cà-phê xuống
thấp, khó tiêu thụ, góp phần ổn định đời sống của người sản xuất
cà-phê... Cũng như có cơ chế, chính sách phù hợp để khuyến khích các
doanh nghiệp trong nước mở rộng việc thực hiện các chương trình sản
xuất cà-phê bền vững có chứng nhận: VietGap, cà-phê UTZ, 4C... và hỗ
trợ các địa phương triển khai thực hiện Chương trình tái canh cà-phê
giai đoạn 2011-2020 (thành công 100 nghìn ha cà-phê).
Cà-phê là một cây trồng gắn bó lâu đời với người dân Tây Nguyên và
cũng là mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Với những lợi
thế của mình, ngành cà-phê cả nước nói chung và cà-phê Tây Nguyên nói
riêng hoàn toàn có thể tăng giá trị xuất khẩu cà-phê gấp nhiều lần so
với hơn hai tỷ USD hiện nay. Song, điều kiện tiên quyết là phải có
những giải pháp đồng bộ cho chiến lược phát triển cà-phê bền vững như
một số cường quốc cà-phê trên thế giới.
(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 20-3-2012.
KIỀU THẮNG, ÁNH TUYẾT và NGUYỄN HỒNG/(báo Nhân Dân)