Nhiều doanh nhân hoạt động trong lãnh vực chế biến và xuất khẩu cà
phê cho rằng quyết định này là điều tất yếu, vì nếu làm ngược lại cứ mỗi tấn cà
phê họ sẽ lỗ ít nhất là 40 đô la Mỹ.
“Việt Nam
hết vụ, lượng cà phê tồn kho không còn nhiều trong khi nông dân lại có xu hướng
găm hàng lại để chờ giá. Điều này khiến giá thu mua trong nước cao hơn giá mua
của nước ngoài, làm sao cạnh tranh được… Trong khi đó thì Indonesia trúng
mùa, hàng vừa nhiều vừa rẻ”, ông Phạm Ngọc Bằng, Phó giám đốc Công ty TNHH liên
doanh Cà phê Đak Man, giải thích.
“Nông dân hiện không còn tin vào đại lý thu mua và doanh nghiệp
chế biến nữa. Bây giờ họ tự thu hoạch, sơ chế rồi dự trữ chờ được giá mới bán,
điều này khiến nguồn cung trở nên khan hiếm”, ông Nguyễn Nam Hải, Tổng giám đốc
Công ty cổ phần Giám định cà phê và hàng hóa xuất nhập khẩu, nhận xét.
Ông Hải tỏ ra lo ngại trước thực trạng này. “Họ tự lưu trữ lấy chứ
không ký gửi đâu hết, nhưng bản thân họ cũng không biết là lúc nào nên bán để
có được giá tốt”, ông Hải nói.
Ông Đoàn Văn Hà, Trưởng bộ phận kinh doanh cà phê của Tổng công ty
Thương mại Hà Nội, cho biết là trong bối cảnh như vậy thì khó khăn nhất là
những doanh nghiệp đã có hợp đồng dài hạn. “Lúc ký hợp đồng giá cà phê trong
nước còn thấp, bây giờ thì phải mua giá cao để giao hàng đúng hẹn. Thế mới
chết”, ông Hà than thở.
Để giải quyết vấn đề này, một số giải pháp có tính bền vững nhưng
không mới được nhắc lại. Cụ thể là phải tìm cách gắn kết trở lại mối quan hệ
giữa doanh nghiệp và nông dân, nhưng sẽ làm theo hướng mở rộng. “Doanh nghiệp
xuất khẩu cà phê có thể xây dựng vùng nguyên liệu ổn định bằng nhiều cách,
chẳng hạn như tự trồng hay thuê nông dân trồng, hoặc hai bên cùng làm. Trên
phương diện quản lý, cần thiết phải có quy hoạch vùng canh tác, chế biến cà phê
theo chuẩn quốc tế. Về phía người nông dân, họ có quyền tự do định giá và lựa
chọn đối tác để bán”, ông Hải nói.
Theo SGTimes