Tiếng việt English 
   
Cơ sở Cà phê Bột Phượng
Công ty CP Đầu tư XNK Đăk Lăk
Công ty TNHH PM Coffee
Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ công bằng Ea Tu
Công ty TNHH MTV XNK 2/9 Đắk Lắk
HTX Nông nghiệp dịch vụ công bằng Ea Kiết
Công ty TNHH MTV Cà Phê 15
Công ty cổ phân đầu tư và phát triển An Thái
VIDEO CLIP
THỐNG KÊ TRUY CẬP
 
Số người truy cập
717743
 
Đang trực tuyến
25218
THỊ TRƯỜNG
Tại sao giá cà phê Robusta vẫn chưa "bung"
 (TBKTSG Online) - Giá cà phê nội địa tưởng đã “chớp” được đỉnh trong tuần qua, nhưng lại trượt! Nhiều người vẫn tin giá cà phê sẽ tiếp tục “bung” nhưng đáng tiếc không phải lúc này.
 

Thế trận rõ như ban ngày

12.04.2014-1

Biểu đồ: Diễn biến giá đóng cửa sàn kỳ hạn robusta Ice Liffe hai tuần qua (tác giả cập nhật)

Mấy ngày qua, giá cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên có lúc chớm lên gần đỉnh cao 42.000 đồng/kg của niên vụ này được xác lập vào nửa đầu tháng 3-2014. Nhưng chưa kịp lên giá phải tụt xuống. Trên sàn kỳ hạn robusta London có lúc giá giao dịch đã nhảy lên mức 2.180 đô la Mỹ/tấn nhưng rồi thúc thủ, không chạm được đỉnh cũ là 2.200 đô la để còn lấy đà “bung” tiếp mà chỉ xoay quanh mức 2.150 đô la/tấn.

 

Sau vài phiên bán tháo trên sàn kỳ hạn trong những ngày đầu tháng, giá cà phê lên lại rất mạnh. Song, điều ai cũng biết là không chỉ sàn cà phê mà nhiều sàn kỳ hạn hàng hóa khác đều nhất loạt xuống cùng xuống, lên cùng lên. Giá vàng chẳng hạn, đầu tháng này có lúc chỉ 1.278 đô la/ounce thì nay chốt mức 1.319 đô la/ounce, dầu thô từ 99 đô la lên trên 103 đô la/thùng, ca cao từ 2.930 đô la nay có lúc 3.025 đô la/tấn… Riêng sàn arabica Ice New York, tính đến cuối ngày 10-4 là ngày thứ sáu có giá tăng liên tục, lên một hơi 33,60 cts/lb (xu/cân Anh) hay tương đương với 740 đô la/tấn. Đồng đô la Mỹ mất giá, chỉ số đồng tiền này từ 80,5 điểm tuần trước nay chỉ còn 79,5 điểm khi đóng cửa phiên cuối tuần cũng là một nhân tố khiến giới tài chính có thêm tiền đặt cược trên các sàn kỳ hạn làm giá hàng hóa mạnh thêm.

Thật ra, đối với cà phê, người ta có cớ để đẩy giá lên mạnh, đặc biệt bên sàn arabica. Nguồn tin tại chỗ cho rằng một số nông dân Brazil đã bắt đầu thu hoạch arabica tại những vùng đáng ra phải đến cuối tháng Tư mới hái. Nhưng do nắng hạn, cà phê bị chín ép nên phải hái sớm hơn. Thông thường, năng suất các đợt hái bói đầu mùa không tốt bằng các đợt hái sau và lần này, nhiều người cho rằng năng suất cà phê đầu mùa rất tệ, thậm chí trọng lượng chỉ bằng một nửa so với các đợt thu hoạch trước. Thực hư của thị trường cà phê đang nằm ở đây, nên giá các sàn kỳ hạn cà phê chắc còn dao động  thất thường đến cả tháng nữa, nhất lại là khi Brazil chuẩn bị vào mùa đông giá.

 

Với thế trận: đầu cơ đang trong chiều hướng đặt cược trên các sàn hàng hóa, cộng với tin thời tiết bất thuận, sản lượng thất thu…ai cũng đều tin giá cà phê sẽ tăng hay chí ít “trụ” ở mức cao trong thời gian tới.

 

Liệu giá robusta có đường “bung”?

 

Chưa bàn yếu tố đầu cơ, nếu như Brazil không bị hạn hán, chưa chắc sàn kỳ hạn arabica Ice New York bung mạnh như thế này, trở thành đầu tàu kéo sàn robusta London lên và các thị trường hàng thực (physical markets) này “ăn theo”. Hiện nay, tuy cà phê arabica Brazil đang được hái bói, lại ngay trong kỳ “giáp hạt”, nên tin thất thu càng được khai thác mạnh. Nói cho công bằng, nếu như trong tháng Tư tại Brazil có mưa nhiều chăng nữa, hình như cũng đã quá trễ để hạn chế thiệt hại, ảnh hưởng đến sản lượng cà phê cả thế giới. Tin mà Ủy hội Cà phê toàn quốc Brazil (Cecafe) loan ra vào ngày 4-4 ước rằng sản lượng vụ tới đây trong chỉ khung 40,1 đến 43,3 triệu bao cũng lại là cái cớ để arabica tăng mạnh mà không phải là sàn robusta.

 

Tuy trong tuần có một số tin hấp dẫn bên phía robusta nhưng cuối tuần giá vẫn ngập ngừng. Sức bán ra của Indonesia sẽ khựng lại một thời gian. Ngành cà phê nước này đã ra một thông báo có hiệu lực tức thì buộc tất cả cà phê xuất khẩu phải qua đăng ký và chốt giá bảo vệ tại sàn giao dịch hàng hóa. Đứng trước rủi ro về kinh doanh khi hạt cà phê bị chi phối rất mạnh bởi thị trường tài chính thế giới, đây là một biện pháp bắt buộc cần thiết nhằm giúp các doanh nghiệp cà phê tránh rủi ro, giữ uy tín và bảo đảm an toàn cho chuỗi cung ứng cà phê trong nước.

 

Tuy nhiên, Indonesia “hãm phanh” thì sức ép bán ra từ nước ta rất mạnh. Hình như cứ “lên trên mức 40.000 đồng là nhiều người sẵn sàng “đạp” hàng ra nhiều”, một đại lý tại Bảo Lộc, Lâm Đồng cho biết. Ngoài ra, “hiểm họa” giá rớt đang ngay trước mắt, chí ít là mức trừ lùi tính cho giá xuất khẩu có thể giảm nhiều hơn. Bộ Giao thông Vận tải đang ráo riết kiểm tra tải trọng xe, giá cước vận chuyển từ các tỉnh Tây Nguyên về cảng xuất khẩu chắc chắn sẽ tăng có thể lên mức gấp đôi trên mỗi đầu tấn. Đồng lúc ấy, cước vận tải đường biển đã tăng từ đầu tháng 4-2014, mỗi container từ nước ta đi Mỹ tăng thêm 700-1000 đô la, hay tương đương với chừng 15-20 đô la Mỹ/tấn. “Không chóng thì chầy, cà phê sẽ phải cõng cước vận tải, dù không phải giá niêm yết nhấp nháy trên sàn hàng ngày thì cũng giá trừ lùi, làm giá vượt khỏi đỉnh 42.000 đồng trước đây càng khó khăn,” một chuyên gia ngành hàng tại TPHCM phân tích.

 

Thị trường cà phê tuần qua

 

Giá cà phê nội địa sáng hôm nay thứ Bảy 12-4 tại các tỉnh Tây Nguyên rút xuống nằm quanh mức 41.000 đồng, tăng 1.500 đồng/kg so với cuối tuần trước nhưng giảm bớt 500 đồng so với đỉnh trong tuần. Tại sàn Ice Liffe, đóng cửa phiên cuối tuần ngày hôm qua 11-4, giá kỳ hạn robusta chốt mức 2.142 đô la/tấn, giảm 16 đô la so với hôm trước nhưng cả tuần tăng 70 đô la (xin xem biểu đồ trên). Giá trên sàn arabica cũng khựng lại sau sáu ngày tăng liên tiếp, đóng cửa tại mức 203,55 cts/lb, như vậy cả tuần chỉ còn tăng 362 đô la/tấn. Đáng tiếc, giá kỳ hạn robusta và nội địa mất cơ hội vượt qua đỉnh cũ để có thể bung mạnh hơn. Tuy nhiên, “với mức giá hiện tại, thị trường nội địa vẫn mua bán sôi động cuối tuần”, vị chuyên gia tiên đoán.

Theo Nguyễn Quang Bình

HÌNH ẢNH
BẢN ĐỒ