Nhìn lại thị trường quí 1-2014
Nếu
như giá cà phê nội địa cuối năm 2013 chỉ còn từ 33,5 đến 34 triệu
đồng/tấn, thì đến giữa tháng 3-2014 lên 42 triệu và sau đó dịu dần đến
cuối quí 1 còn quanh mức 39,7 triệu đồng/tấn.
Giá
tăng đã kích hàng ra thị trường. Lượng xuất khẩu trong ba tháng đầu năm
nay nhờ thế mà tăng mạnh. Tuy giá xuất khẩu loại 2,5% đen vỡ tính trên
cơ sở chênh lệch giữa cảng TPHCM và giá niêm yết của sàn kỳ hạn Ice
Liffe London giảm, có lúc xuống trừ 120 đô la Mỹ/tấn, giảm 90 đô la so
với đầu niên vụ là trừ 30 đô la/tấn FOB, xuất khẩu cà phê không vì thế
mà ít đi vì giá tiền tươi (outright) khá tốt.
Biểu đồ 1: Lợi suất đầu tư của quí 1-2014 trên một số thị trường tài chính thế giới (nguồn NewEdge)
Phải
nói rằng giá cà phê nội địa vừa qua tăng là nhờ các quỹ đầu tư tài
chính đặt cược vào các sàn kỳ hạn nông sản trên thế giới và tình hình
hạn hán tại các vùng trồng cà phê Brazil. Chính nhờ “cú đúp” này, giá ba
sàn kỳ hạn cà phê đã đạt lợi suất đầu tư cao nhất trong nhóm 4 thị
trường có giá tăng mạnh nhất trong quí 1-2014.
Thật
vậy, lợi suất của sàn arabica Ice New York trong kỳ tăng 60,7%, sàn
arabica Brazil 48,4% và robusta Ice Liffe tăng 27,8% (xin xem biểu đồ
trên – ba cột đầu tiên biểu thị 3 sàn cà phê).
Tuy
nhiên, điều làm cho các nhà phân tích thị trường phải đắn đo là trong
số 36 thị trường, chỉ có 5 sàn có lợi suất giảm. Số còn lại (31) đều
được các quỹ đầu cơ bơm tiền vào đặt cược nên đều tăng.
Vì
thế chưa ai dám quả quyết giá nhiều mặt hàng nông sản, đặc biệt cà phê,
vừa qua nóng chủ yếu là do luồng vốn đầu tư hay do hạn hán tại Brazil.
Dù sao, vẫn có quyền hy vọng yếu tố thời tiết, nếu thực sự ảnh hưởng đến
sản lượng cà phê thế giới, sẽ kích thêm và kéo dài cảm hứng của các quỹ
đầu cơ vào mặt hàng này để giá có điều kiện cao hơn trong thời gian sắp
tới.
Biểu đồ 2: Diễn biến giá đóng cửa sàn robusta London trong tháng 3-2014 (tác giả cập nhật)
Giá dịu đi sau kỳ tăng nóng
Đầu
năm nay, giá kỳ hạn Ice Liffe chỉ quanh mức 1.600 đô la Mỹ/tấn. Chỉ
trong vòng ba tháng, có lúc đã tăng thêm 600 đô la/tấn. Trong khi đó,
giá arabica New York còn tăng mạnh hơn, từ 113,70 xu/cân Anh (cts/lb)
ngày giao dịch đầu năm, có lúc lên trên 210 cts/lb, tăng tương đương với
2.123 đô la/tấn.
Đến
hôm nay thứ Bảy 5-4-2014, giá có phần dịu đi dù khuya hôm qua phiên
cuối tuần có giá đóng cửa tăng mạnh sau mấy ngày “ẻo lả”.
Nhiều
người cho rằng đợt giá giảm bắt đầu từ nửa cuối tháng 3-2014 đến nay là
tất nhiên do thị trường hàng thực (physical market) sôi động, hàng bán
nhiều hơn khi giá tăng; mặt khác đầu cơ tiến hành bán thanh lý lượng
hàng đã mua khống khổng lồ trên sàn kỳ hạn, đặc biệt sàn arabica.
Giá tăng, hăng bán
Biểu đồ 3: Xuất khẩu cà phê từ Colombia tăng vững (nguồn: NewEdge)
Theo
Tổng cục Thống kê, xuất khẩu cà phê tháng 3-2014 của Việt Nam ước đạt
220.000 tấn, tăng 39% so với cùng kỳ năm 2013, thấp hơn so với ước báo
của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đưa ra trước đây là 274.000
tấn. Như vậy, trong quí 1-2014 lượng cà phê nước ta đã xuất bán đạt
544.000 tấn, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đợt
giá nội địa lên trên 40.000 đồng/kg trong hai tháng trước đây và giá
xuất khẩu dựa trên chênh lệch (differential) giảm đã là dịp cho các nhà
kinh doanh bung tiền mua mạnh. Nên, trong tháng 4-2014, lượng xuất khẩu
có thể vẫn còn cao, ước 180-200.000 tấn, một nhà phân tích dự đoán.
Cùng
thời gian ấy, Bộ Thương mại Brazil ước xuất khẩu nước này trong tháng
3-2014 cũng cao, đạt 2,56 triệu bao (60 kg x bao), tăng 11% so với cùng
kỳ năm 2013 nhưng giảm nhẹ so với tháng 2-2014 là 2,60 triệu bao.
Hiệp
hội Cà phê Colombia (Fedecafe) ước xuất khẩu tháng 3-2014 của nước này
tăng 37% đạt 928.000 bao (60 kg x bao) so với 677.000 bao của tháng
trước. Lũy kế xuất khẩu của Colombia 6 tháng đầu niên vụ 2013/14 ước đạt
5,82 triệu bao, tăng 37% so với cùng kỳ. Đối với Colombia, nước sản
xuất và xuất khẩu lớn thứ ba của thế giới và là một trong những nước sản
xuất cà phê arabica tốt nhất thế giới, đây là tháng thứ sáu liên tiếp
có lượng xuất khẩu tăng. Từ năm 2010 đến nay, do thực hiện tái canh, sản
lượng cà phê Colombia thất thường, nên xuất khẩu có khi chỉ đạt 7 triệu
bao (xin xem biểu đồ 3).
Đến
nay, chương trình tái canh Colombia đã gần hoàn thành, sản lượng ổn
định và tăng dần. Nếu như trong sáu tháng đầu niên vụ, số lượng cà phê
đưa ra để chế biến chừng 6 triệu bao, khả năng sản lượng năm này chừng
11,4 triệu bao là trong tầm tay, thậm chí có thể còn cao hơn.
Báo
cáo mới nhất của Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO) cho rằng trong tháng
2-2014, thế giới mạnh tay bán ra nhờ giá kỳ hạn tăng mạnh. Theo ICO,
xuất khẩu cà phê cả thế giới trong tháng 2-2014 đạt 9,003 triệu bao,
tăng 4,3% so với cùng kỳ, trong đó arabica loại thơm dịu của Colombia
tăng 30%, arabica chế biến khô Brazil tăng 11% và robusta tăng 2,8%. Lũy
kế năm tháng đầu niên vụ 2013/14 bắt đầu từ 1-10-2013 cả thế giới xuất
khẩu 42,677 triệu bao.
Giá tuần qua tăng giảm thất thường
Giá
cà phê nội địa tuần qua có lúc giảm xuống 38.500 đồng/kg do ảnh hưởng
của đợt bán tháo trên sàn kỳ hạn đầu tuần, giảm 1.200 đồng so với cuối
tuần trước. Nhưng giá kỳ hạn đã giật lên mạnh vào ngày hôm qua, thứ Sáu
4-4-2014, đóng cửa mức 2.072 đô la/tấn cơ sở giao dịch tháng 7-2014,
tăng 59 đô la so với hôm trước nhưng cả tuần giảm 21 đô la/tấn (xin xem
biểu đồ 2). Tại sàn arabica New York, giá tăng 10,40 cts/lb đạt 187,10
cts/lb, cả tuần tăng tương đương 99 đô la/tấn. Nhờ vậy, giá nội địa sáng
nay thứ Bảy 5-4 đã lên lại 39.500 đồng/kg, giảm 200 đồng so với tuần
trước.
Thị
trường cho rằng giá kỳ hạn phiên cuối tuần tăng mạnh do tồn kho robusta
tại sàn Ice Liffe London giảm mạnh dù lượng xuất khẩu robusta vẫn tăng,
chứng tỏ nhu cầu loại cà phê này đang phục hồi dần.
Biểu đồ 4: Tồn kho robusta (certs) của Ice Liffe London đến 31-3 (nguồn NewEdge)
Tồn
kho robusta được sàn ICE Liffe London chấp nhận chất lượng (certs) chỉ
còn 18.330 tấn, giảm 5.510 tấn tính đến 31-03, dù trong kỳ báo cáo đã có
thêm 1.430 tấn được tăng cường. Như vậy, tồn kho hiện tại giảm đến 85%
so với cách đây 52 tuần, bấy giờ là 188.570 tấn và là mức thấp nhất tính
từ tháng 11-1999 đến nay (xin xem biểu đồ 4).
Theo Nguyễn Quang Bình