Diễn biến giá đóng cửa sàn Robusta London trong tháng 3-2014 (tác giả cập nhật)
Giá phục hồi nhưng chưa đủ mạnh
Tháng Ba đang khép lại. Tuần cuối tháng,
giá cà phê nội địa quay lên quanh mức 39.700 đồng/kg, cao hơn chừng
1.200 đồng so với cách đây bảy ngày, nhưng vẫn còn cách khá xa đối với
giá đỉnh 42.000 đồng của niên vụ lập vào giữa tháng Ba này.
Tuy giá
phục hồi, vẫn chưa thỏa kỳ vọng của người còn giữ cà phê. “Rất khó mua
hàng suốt cả tuần. Nghe chỗ khác mua được ít lắm. Còn công ty tôi, hầu
như không mua được hạt nào”, ông Nguyễn Ngọc Sang, đại diện bán hàng của
một công ty xuất khẩu lớn tại TPHCM than vãn. “Giá đã thử mức 42 ngàn
đồng/kg, thế nào cũng sẽ quay lại mức ấy hay cao hơn,” chị Danh, một
nông dân ở huyện Buôn Hồ, tỉnh Daklak nói chắc như đinh đóng cột.
Thị
trường nội địa nhấp nhô theo giá kỳ hạn. Ngay đầu tuần qua, khi biết
tin tại Brazil không mưa nhiều như dự báo trong các ngày thứ bảy và chủ
nhật trước đó, giá kỳ hạn tăng mạnh, từ 2.038 đô la/tấn nhảy lên 2.083
đô la khi đóng cửa. Giá sàn robusta cứ thế chạy quanh mức này cho đến
hết thứ Sáu 28-3, tức rạng sáng hôm nay thứ Bảy 29-3 giờ VN, đóng cửa
đạt mức 2.096 đô la/tấn, cả tuần tăng 58 đô la, nhưng để lên lại mức
đỉnh 2.200 đô la/tấn của ngày 12-3 đường vẫn còn dài (xin xem biểu đồ
trên).
Giá robusta tăng được đa phần nhờ sàn kỳ hạn arabica phục hồi
mạnh mẽ. Tuần qua, giá arabica New York đã từ 171,15 lên 180,60 xu/cân
Anh (cts/lb), tăng 9,45 cts hay 208 đô la/tấn.
Cước tàu neo giá lại?
Sức
bán giảm do nông dân chưa hài lòng giá hiện nay trên thị trường. Giá đã
tăng lại. Nhưng theo người có kinh nghiệm, giá kỳ hạn phải vượt quá mức
đỉnh cũ mới hy vọng có đợt tăng giá mới, tức bấy giờ tạo được sức mua
mới.
Lượng bán ra từ Tết Giáp Ngọ khi giá tăng đến nay quá lớn, có thể sẽ “neo” giá lại?
Báo
cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết trong tháng
3-2014, xuất khẩu cà phê nước ta ước đạt 274.000 tấn với giá trị chừng
558 triệu đô la Mỹ. Lũy kế khối lượng xuất khẩu cà phê ba tháng đầu năm
nay ước đạt 601.000 tấn, thu về 1,17 tỉ đô la, tăng 24,8% về khối lượng
và 13,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2013.
Mặt khác, giá xuất khẩu
FOB (giao hàng từ cảng của nước xuất khẩu) tính trên chênh lệch với giá
niêm yết của sàn kỳ hạn đang “lình xình” và có khuynh hướng giảm dù hiện
nay ở mức trừ 90-100 đô la/tấn dưới giá kỳ hạn London cho loại 2,5% đen
vỡ, tăng 20 đô la so với vài tuần trước đây, nhưng giảm đến 60-70 đô
la/tấn so với 3 tháng đầu niên vụ (10, 11 và 12 năm 2013).
Riêng giá
nội địa, “dù giá kỳ hạn có tăng, giá nội địa sẽ không theo kịp vì cước
chuyên chở đang dọa tăng giá”, một chuyên gia ngành hàng cho biết.
Nhiều
hãng tàu biển đã thông báo sẽ nâng cước tàu biển đi châu Âu, Bắc Mỹ… kể
từ đầu tháng 4-2014. Mức nâng sẽ từ 50-200 đô la cho mỗi container loại
20 feet tùy theo hải trình dài hay ngắn. Các nhà xuất khẩu đang lo ngại
mức tăng sẽ không dừng lại ở đó. Thời gian gần đây, một số hãng tàu lớn
đã hợp thành các liên minh để giữ và nâng giá cước do tình trạng “nhiều
tàu dư chỗ”, nghe đâu sẽ thực hiện tiếp trong sáu tháng cuối năm này.
“Tuy
mặt hàng cà phê thường được xuất khẩu với điều kiện giao hàng FOB,
người mua chịu trách nhiệm thuê tàu, họ vẫn “gí” trong giá mua và chính
người bán và nông dân nước xuất khẩu phải trả chi phí vận tải,” vị
chuyên gia nói. Nếu vậy, giá xuất khẩu tính trên chênh lệch sẽ giảm, hệ
lụy là giá nội địa sẽ bị “ép”.
Ngay sáng nay, mức chênh lệch của cà
phê nguyên liệu tại các tỉnh Tây Nguyên với giá kỳ hạn đang ở mức 215 đô
la/tấn dưới giá niêm yết, mức khá thấp!
Đừng để “sập bẫy” tin thời tiết
Thông tin hạn hán đầy rẫy và ít được chọn lọc.
Nhớ
năm ngoái, cũng cùng thời điểm tháng Ba này, khi giá nội địa đang ở mức
45-46.000 đồng/kg, nhiều quan chức nông nghiệp và ngành hàng cà phê
muốn giá lên mạnh nữa, họ đã đưa tin rằng hạn hán xảy ra nghiêm trọng
tại một số tỉnh Tây Nguyên, sản lượng cà phê có thể giảm 15-20%.
Thế
nhưng, từ bấy về sau, giá không tăng theo kịch bản được dựng nên mà cứ
xuống dần đến dưới 30.000 đồng, mất đứt 15-16.000 đồng/kg. Vì nghe theo
tin đồn, nhiều nông dân đã giữ lại hàng và sau này phải bán giá thấp.
Sập bẫy!
Hiện nay, thời tiết Tây Nguyên đang ở tâm điểm mùa khô, đã
có tin hạn hán đang xảy ra và ước sản lượng có thể giảm 15-20% vụ tới.
Cứ cho khô hạn là có thật. Những thông số như độ ẩm trong đất và không
khí, lượng mưa bình quân trong kỳ so với bình quân nhiều năm giảm bao
nhiêu, ảnh hưởng từng vùng hay trên diện rộng… đối với người kinh doanh
chuyên nghiệp là quan trọng để khả dĩ đánh giá thiệt hại một cách có cơ
sở.
Vì thật ra, các sàn kỳ hạn hàng hóa hiện nay hầu như bị các quỹ
đầu cơ tài chính khống chế. Nói như ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội
Cà phê-Ca cao Việt Nam (Vicofa) trong nhiều hội nghị ngành hàng, đầu cơ
tài chính mua bán trên sàn cà phê chiếm hết 90-95%, còn mua bán hàng
thực chỉ là phần cực nhỏ còn lại. Nên, nghe theo tin thời tiết mà không
kiểm chứng kỹ càng, nông dân dễ bị dẫn vào cái bẫy dự báo giá tăng theo ý
đồ của đầu cơ là vậy.
Lợi dụng tin hạn hán, đầu cơ đã đặt cược bằng
cách bơm tiền mua khống một lượng hợp đồng rất lớn. Tính đến 25-3, theo
báo cáo chính thức của sàn kỳ hạn New York, đầu cơ đang ôm 43.416 hợp
đồng mua khống (kỳ hạn và quyền chọn), tương đương với trên 760.000 tấn
cà phê arabica! Con số quá lớn. Muốn đưa giá tăng nữa, họ cần phải bán
bớt một phần hay tất cả, để mới có tiền mua lại. Bán thanh lý thường làm
giá rớt.
Giữ lại hàng hay bán ra, thị trường đang để “cái bẫy thời tiết” ngay trước từng vườn cà phê.
Nguyễn Quang Bình