Trong nghiên cứu, các chuyên gia thuộc Đại học Johns Hopkins tại
Baltimore, bang Maryland, Mỹ, yêu cầu 73 tình nguyện viên quan sát hình
ảnh một số vật thể. Sau đó họ sẽ được chia thành hai nhóm, một nhóm uống
cà phê espresso mạnh (2 cốc tương đương với 200 mg caffeine) và những người còn lại uống một viên thuốc giả được gọi là placebo.
Các mẫu nước bọt của tình nguyện viên được xét nghiệm trong vòng 1 giờ, 3 giờ và 24 giờ sau đó để đo lượng caffeine.
Một ngày sau, họ được yêu cầu tiếp tục tham gia thí nghiệm ban đầu với
nhiều hình ảnh trùng lặp, tương tự và khác biệt so với các hình ảnh
trước.
Kết quả cho thấy, cả hai nhóm đều phân biệt được các hình ảnh cũ và
mới trong thí nghiệm. Tuy nhiên, những người có khả năng quan sát tốt
hơn và phát hiện được sự khác biệt hay tương tự giữa các hình ảnh một
cách rõ ràng là nhóm được uống cà phê.
Từ đó, nhóm nghiên cứu kết luận rằng chất caffiene
có trong cà phê có thể giúp tăng cường một số ký ức nhất định trong vòng
ít nhất một ngày sau khi các ký ức này được hình thành.
AFP dẫn lời chuyên gia tâm lý và khoa học não bộ Michael Yassa cho
hay, nghiên cứu được thực hiện nhằm nhận biết ảnh hưởng của caffeine lên
một vùng nằm sâu trong não bộ là hippocampus. Đây là vùng não tiếp
nhận, kiểm soát và hình thành trí nhớ ở người.
Ông cũng cho biết caffeine có liên quan đến tuổi thọ ở con người và
có thể có một số tác động bảo vệ não bộ khỏi sự suy giảm nhận thức,
thường thấy như bệnh Alzheimer.
Hiệu quả tăng cường trí nhớ của caffeine là vấn đề gây tranh cãi
trong nhiều năm qua. Việc phân biệt sự tỉnh táo tự nhiên của con người
và tỉnh tháo nhờ caffeine là điều không hề dễ dàng.
Theo VnExpress