Tiến
sĩ Yoshihiro Kokubo, người phụ trách nghiên cứu đến từ Trung tâm não và
tim mạch quốc gia của Nhật Bản cho biết: “Đây là nghiên cứu có quy mô
lớn đầu tiên nhằm kiểm tra những ảnh hưởng kết hợp giữa trà xanh và cà
phê đối với nguy cơ đột quỵ. Bạn có thể thực hiện một sự thay đổi nhỏ
nhưng tích cực trong lối sống để giúp giảm nguy cơ đột quỵ bằng việc
uống trà xanh mỗi ngày”.
Các
nhà nghiên cứu đã tiến hành khảo sát 83.269 người Nhật trưởng thành về
thói quen uống trà xanh và cà phê trong khoảng thời gian trung bình là
13 năm. Những người được khảo sát có độ tuổi từ 45-74, gần như cân bằng
về giới tính, không bị ung thư và bệnh tim mạch. Trong suốt 13 năm theo
dõi, các nhà khoa học đã xem xét bệnh án và giấy chứng tử của họ, thu
thập dữ liệu về bệnh tim, đột quỵ và nguyên nhân tử vong. Các nhà nghiên
cứu cũng xét đến các yếu tố như tuổi tác, giới tính và các vấn đề trong
lối sống như hút thuốc lá, uống rượu, cân nặng, chế độ ăn uống và rèn
luyện thể chất. Họ phát hiện ra rằng ở những người uống càng nhiều trà
xanh và cà phê thì nguy cơ đột quỵ càng thấp.
Những
người uống ít nhất một tách cà phê mỗi ngày có nguy cơ đột quỵ thấp hơn
khoảng 20% so với những người hiếm khi uống. Con số này ở những người
uống 2-3 tách trà xanh mỗi ngày và những người uống ít nhất 4 tách trà
xanh mỗi ngày lần lượt là 14% và 20% so với những người hiếm khi uống.
Những
người uống ít nhất một tách cà phê hoặc 2 tách trà xanh mỗi ngày có
nguy cơ xuất huyết trong não (xảy ra khi một mạch máu bị vỡ và máu chảy
vào trong não) thấp hơn 32% so với những người hiếm khi uống hoặc uống
các loại đồ uống khác. Khoảng 13% số ca đột quỵ là do xuất huyết.
Mặc
dù vẫn chưa giải đáp chắc chắn được rằng tại sao cà phê và trà xanh lại
có tác dụng này, tuy nhiên tiến sĩ Kokubo cho rằng đó có thể là do
những tính chất của các loại đồ uống này giúp máu không bị đông.
Ông
giải thích rằng trà xanh có chứa chất catechins có tác dụng chống oxy
hóa và chống viêm. Một số chất hóa học trong cà phê như axít chlorogenic
có thể giảm nguy cơ đột quỵ bằng việc ngăn ngừa sự phát triển bệnh tiểu
đường loại 2.
Tiến
sĩ cho biết thêm cà phê cũng chứa cafêin có thể ảnh hưởng tới lượng
cholesterol và huyết áp. Ngoài ra, nó cũng có thể gây ra những thay đổi
về độ nhạy insulin, ảnh hưởng tới lượng đường trong máu.
Nghiên cứu này được đăng trên Tạp chí Stroke (tạp chí của Hiệp hội Tim mạch Mỹ) số ra ngày 14/03. |