Đây là nhận định của ông Đoàn Kim Ca, Tổng thư ký Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột, với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online bên lề hội thảo về bảo hộ và đăng ký chỉ dẫn địa lý diễn ra ngày 22-4 tại Hà Nội.
TBKTSG Online: Ông có thể cho biết vụ kiện liên quan đến chỉ dẫn địa lý
cà phê Buôn Ma Thuột của Việt Nam bị một doanh nghiệp Trung Quốc đăng
ký bảo hộ độc quyền đang diễn ra như thế nào?
- Ông Đoàn Kim Ca: Sau khi vụ việc xảy ra, UBND tỉnh
Đắk Lắk đã ủy quyền cho Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột làm chủ đơn để
tiến hành khiếu kiện hủy bỏ quyền sử dụng trái phép chỉ dẫn địa lý của
doanh nghiệp Trung Quốc đó. Tháng 12-2011, hiệp hội đã gửi đơn khiếu nại
tới Cục nhãn hiệu hàng hóa thuộc Bộ Công Thương Trung Quốc. Hồ sơ này
đã được phía Trung Quốc chấp nhận và sẽ đưa ra phán xét trong khoảng
thời gian 36 tháng tính từ lúc gửi hồ sơ.
Theo tôi, phía Việt Nam sẽ thành công trong vụ kiện này vì Trung Quốc
và Việt Nam đều là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và
cùng phải tuân theo hiệp định về quyền sở hữu trí tuệ TRIPS.
Thời gian xem xét 36 tháng tuy có dài nhưng đây là quy định của họ và
chúng ta không thể nôn nóng được. Tuy nhiên, còn một trường hợp nữa có
thể xảy ra đó là tên nhãn hiệu chỉ dẫn địa lý nếu sau thời gian 3 đến 5
năm không sử dụng sẽ bị cơ quan chức năng hủy bỏ.
Được biết phía hiệp hội đang làm hồ sơ để đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý
đối với cà phê Buôn Ma Thuột tại Liên minh châu Âu (EU). Vậy thủ tục
đăng ký diễn ra như thế nào và phía hiệp hội đang gặp phải khó khăn gì?
- Để được phía EU công nhận và bảo hộ chỉ dẫn địa lý là một việc rất
khó. Hiệp hội đang tiến hành lập hồ sơ kỹ thuật để đăng ký với phía EU
và đang tìm một tổ chức độc lập đứng ra đánh giá các tiêu chí như chất
lượng, khả năng truy nguyên nguồn gốc của cà phê Buôn Ma Thuột theo quy
định của EU.
EU hiện là một trong những nhà nhập khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam.
Tuy nhiên, cà phê nhân là nguyên liệu, thường được các nhà rang xay của
EU phối trộn với các hương vị khác. Chính vì vậy, việc bảo hộ chỉ dẫn
địa lý cho một vùng nguyên liệu như cà phê khó hơn nhiều so với việc bảo
hộ chỉ dẫn địa lý của một thành phẩm như nước mắm Phú Quốc.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là làm sao đưa quy trình kiểm
soát chất lượng và truy xuất nguồn gốc cà phê theo quy định của EU vào
được 80% người dân. Hiện nay trên 80% diện tích cà phê của Đắk Lắk chủ
yếu là cà phê của nông hộ. Mặc dù, nông dân ở đây rất có kinh nghiệm
chăm sóc cây cà phê nhưng họ lại không có thói quen ghi chép sổ sách
giấy tờ nên việc truy nguyên nguồn gốc gặp nhiều khó khăn.
Như vậy, để được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại EU đòi hỏi các cơ quan có
chức năng phải tổ chức lại trồng và sản xuất cà phê tại đây.
Vậy hiệp hội đã có những động thái ban đầu nào để hỗ trợ việc tổ chức lại sản xuất?
- Chúng tôi đã tổ chức tập huấn rất nhiều đợt cho khoảng trên 400 hội
viên hội nông dân để họ phổ biến cho nông dân, tức là đã phổ biến trên
100.000 hội viên để hiểu được cà phê có chỉ dẫn địa lý là gì và quy
trình sản xuất ra sao để được chấp nhận. Và vấn đề quan trọng nhất hiện
nay là hướng dẫn cụ thể để cho bà con nông dân có thể có thói quen ghi
chép sổ sách và có nhật ký nông hộ để dễ dàng cho việc truy nguyên nguồn
gốc.
Ngoài vấn đề về chỉ dẫn địa lý, ông có thể cho biết vấn đề tranh vùng
nguyên liệu của các doanh nghiệp nước ngoài đã được giải quyết thế nào
tại Buôn Ma Thuột?
- Đây là vấn đề khá nhạy cảm. Các doanh nghiệp cà phê nước ngoài tại
Buôn Ma Thuột hiện chưa được phép thu mua trực tiếp từ vùng nguyên liệu
mà chủ yếu thu mua thông qua các đại lý trong nước. Tuy nhiên, quy định
này vẫn tồn tại nhiều lỗ hổng và việc tranh vùng nguyên liệu chỉ chuyển
từ dạng này sang dạng khác.
Hiện nay chúng ta có khung chính sách để quản lý việc thu mua nguyên
liệu cà phê của các doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên, để chính sách có
hiệu quả lại phụ thuộc nhiều vào người thực thi nó có chặt chẽ hay
không.
Ngoài ra, tôi nghĩ cần có một chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong
nước được vay vốn với lãi suất tương đương với lãi suất vay ngoại tệ của
các doanh nghiệp vay ở nước ngoài. Như vậy sẽ tạo một cuộc cạnh tranh
sòng phẳng giữa hai phía chứ nếu chúng ta cứ cấm mãi như thế này chắc
chắn sẽ khó và việc thu mua sẽ chuyển từ hình thức này sang hình thức
khác mà thôi.
Tình hình kinh doanh và xuất khẩu cà phê của các doanh nghiệp tại Đắk Lắk những tháng đầu năm như thế nào thưa ông?
- Năm 2013, các doanh nghiệp cà phê có chiều hướng kinh doanh tích cực
vì giá cà phê đang ở mức cao và ổn định từ 42 đến 45 triệu đồng/tấn,
thuận lợi cho các doanh nghiệp làm ăn. Với mức giá này thì nông dân cũng
có lãi. Riêng với Đắk Lắk, dự kiến xuất khẩu năm 2013 có thể đạt xấp xỉ
trên 400.000 tấn, tương đương khoảng 600-700 triệu đô la Mỹ.
Xin cảm ơn ông!
Thùy Dung thực hiện
Nguồn http://www.thesaigontimes.vn