Mặc cho sự thăng trầm của giá cả, đến nay cà phê vẫn là loại cây
trồng quan trọng chiếm diện tích lớn nhất ở Tây Nguyên. Người trồng cà
phê đã có những hiểu biết nhất định về loại cây trồng này để có thể
chăm sóc tốt vườn cà phê của mình và đạt năng suất cao.
Nhiều vườn cà phê vối đạt năng suất ổn định 5 tấn/ha trong nhiều năm
liền, đây là năng suất thuộc hàng đầu thế giới. Trong kỹ thuật canh tác
tổng hợp để đạt năng suất cao, ổn định và có hiệu quả kinh tế cao thì
bón phân cho cây trồng luôn đóng vai trò quan trọng.
Để bón phân hợp lý cho một loại cây trồng cần nắm vững nhu cầu dinh
dưỡng của nó và phải cung cấp đúng, đủ các chất dinh dưỡng cây cần. Đây
là một vấn đề vô cùng quan trọng cho việc chống lãng phí và tăng hiệu
quả sử dung phân bón.
Kết quả nghiên cứu nhiều năm của Viện KHKT Nông Lâm nghiệp Tây
Nguyên trên cây cà phê đã đưa ra một công thức bón phân chung cho cây
cà phê vối kinh doanh là
- 220-250 kg đạm (N)
- 80-100 kg lân (P2O5),
- 200-230 kg kali (K2O)
cho mỗi ha/năm, ngoài ra cây cà phê cũng cần một lượng lưu huỳnh từ 40-60 kg/ha/năm.
Lượng phân nguyên chất này tương ứng với khoảng 430kg ure, 250kg SA,
600kg lân nung chảy và 380kg KCl/ha/năm. Lượng dinh dưỡng này đủ để bảo
đảm cho vườn cây đạt 3 tấn nhân/ha/năm.
Trường hợp vườn cây có năng suất cao hơn 3 tấn nhân thì cứ 1 tấn
nhân tăng thêm cần bón thêm 150kg ure, 120kg lân nung chảy và 120kg
KCl/ha/năm. Đây là liều lượng phân bón chung đối với đất trồng cà phê
có độ phì trung bình, nhưng độ phì đất của các vườn cà phê không giống
nhau nên cần phải xác định độ phì cụ thể của mỗi vườn để có chế độ bón
phân cho phù hợp.
Người ta đánh giá độ phì nhiêu bằng cách lấy mẫu đất, đưa đến phòng
phân tích và phân tích một số chỉ tiêu độ phì quan trọng. Từ kết quả
phân tích đề xuất một chế độ bón phân hợp lý cho vườn cây để tránh lãng
phí và mất cân đối các chất dinh dưỡng. Khoảng 3-4 năm thì lấy mẫu đất
chẩn đoán một lần để điều chỉnh chế độ bón phân.
Thực tế phân tích mẫu đất các vườn cà phê ở Đắc Lắc trong những năm
qua cho thấy ở nhiều vườn có sự tích luỹ lân và có một hàm lượng dư
thừa kali trong đất so với mức cần thiết của cây cà phê, trong khi đó
nhiều người vẫn tiếp tục bón phân lân và kali cho cà phê với liều rất
cao.
Đó là hậu quả của một sự tăng cường phân bón vô căn cứ của người làm
vườn với hy vọng đạt được năng suất cao khi bón liều phân cao. Có nhiều
vườn, người nông dân đã sử dụng loại phân 16-16-8 cho cà phê kinh doanh
nhiều năm liền và còn bón thêm từ 500-1.000kg lân nung chảy gây nên một
sự dư thừa lớn chất lân trong đất.
Ngoài sự lãng phí tiền bạc thì việc bón phân không đúng còn gây ra
ảnh hưởng bất lợi cho vườn cây do sự mất cân bằng dinh dưỡng. Việc tích
luỹ lân trong đất có thể gây nên sự thiếu kẽm và một hàm lượng quá dư
thừa kali trong đất có thể cản trở sự hút magiê của cây cà phê.
Ngày nay rất nhiều bà con nông dân trồng cà phê ở Đắc Lắc đã biết
đến và chấp nhận phương pháp bón phân qua chẩn đoán độ phì của đất.
Ngày càng có nhiều nông dân lấy mẫu đất từ các vườn cà phê đem đến các
phòng thí nghiệm để phân tích và để được hướng dẫn bón phân.
Điều này giúp người nông dân áp dụng một chế độ bón phân hợp lý do
vậy tăng được hiệu quả trong đầu tư phân bón và còn bảo vệ được tài
nguyên đất. Trong khuôn khổ bài viết này chỉ đề cập đến cây cà phê,
nhưng những nguyên tắc đã nêu ra luôn phù hợp với bất kỳ loại cây trồng
nào.
Lấy mẫu đất như thế nào? Để lấy mẫu đất mang đi phân tích đại diện cho toàn bộ vườn cà phê, ta nên làm như sau:
- lấy đất từ 5 điểm chéo góc trong vườn
- ở mỗi điểm chiếu theo rìa tán cà phê
- đào 1 hố nhỏ sâu 30cm
- xong dùng dao nạo một lớp đất mỏng đều đặn từ trên xuống dưới theo chiều thẳng đứng, lấy khoảng 200g.
Đất được lấy mẫu từ 5 điểm trộn lại thành 1 mẫu đất khoảng 1kg đại
diện cho vườn để đem đi phân tích. Tránh lấy đất dưới gốc cây to trong
vườn như muồn, keo, cây ăn quả… Không lấy ở các vị trí mới được bón
phân.
Cà phê kinh doanh thường được làm bồn để tưới nước và bón phân, vị
trí lấy mẫu đất nằm ở mép trong bồn cà phê. Đem phân tích mẫu ở đâu,
chi phí khoảng bao nhiêu? Ở Tây Nguyên, bà con có thể đem đất đến phân
tích ở Viện KHKT Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên (xã Hoà Thắng, TP Buôn Ma
Thuột). Chi phí bình quân khoảng 100-150 ngàn đồng, chỉ tương đương với
giá mua 1 bao phân nhưng giúp việc sử dụng hàng trăm bao còn lại đạt
hiệu quả cao nhất.
TS. Tôn Nữ Tuấn Nam (Viện KHKT Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên)