Năng lực của doanh nghiệp cà phê Việt Nam chưa đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế. Ảnh: Lê Toàn
Ông
Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa) cho
biết, Việt Nam hiện là nước xuất khẩu cà phê đứng thứ hai thế giới,
song giá cả thế giới luôn biến đổi mà năng lực của DN Việt Nam chưa đáp
ứng được tiêu chuẩn quốc tế, nên chưa đủ sức chi phối giá cả thị
trường. Cụ thể, hiện có đến 97% giao dịch cà phê là trên giấy tờ, nhưng
nhiều DN vẫn chưa có chuyên gia cố vấn pháp lý. Đó là chưa kể, không ít
chủ DN sau vài năm lăn lộn trong nghề, có được chút kinh nghiệm thì lại
chuyển sang nghề khác, khiến thị trường rất khó ổn định.
Trao
đổi kinh nghiệm giao dịch trên sàn cà phê London và New York, ông Phạm
Khánh Hiệp, một chuyên gia trong lĩnh vực cà phê nhận định, cà phê Việt
Nam khi giao dịch trên 2 sàn lớn này phải nhiều thua thiệt, liên tục bị
rớt loại, trừ tiền vì không nắm bắt được quy luật cũng như sự lên xuống
của sàn.
Nhìn
nhận ở góc độ tích cực hơn, ông Nguyễn Nam Hải, Tổng giám đốc Công ty
cổ phần Giám định cà phê và hàng hóa xuất nhập khẩu (Cafecontrol) cho
biết, những năm gần đây, DN Việt Nam đã tiếp cận thị trường quốc tế
tương đối tốt. Cụ thể, một số DN, như Intimex TP.HCM, Công ty Xuất nhập
khẩu cà phê 2-9 (SIMEXCO) tại Đắk Lắk… đã đào tạo, huấn luyện được đội
ngũ có khả năng tiếp cận thị trường có thể xuất khẩu trực tiếp đến các
nhà rang xay trên thế giới mà không cần qua khâu trung gian. Nhờ đó,
chẳng những họ bán hàng được giá cao, mà còn chủ động về đầu vào, đầu
ra, giảm phụ thuộc vào biến động thị trường. “Nhưng vấn đề là, những DN
làm được như vậy chưa nhiều. Phần lớn DN vẫn tham gia xuất khẩu theo
phương thức mua bán theo kỳ hạn, nên gặp nhiều rủi ro”, ông Hải nhận
xét.
Từ
kinh nghiệm thực tế tham gia xuất khẩu trực tiếp qua các nhà rang xay
trên thế giới, ông Lê Đức Thống, Tổng giám đốc SIMEXCO cho biết, để bán
hàng trực tiếp tới các nhà rang xay trên thế giới, đòi hỏi nhiều yếu
tố, trong đó, quan trọng nhất là DN phải giữ được chữ tín.
“Trong
quá trình làm việc, các nhà rang xay nước ngoài thử thách DN Việt Nam
rất nhiều. Nestlé mua hàng trực tiếp của chúng tôi, nhưng phải qua 6
năm tìm hiểu, hai bên mới tìm được tiếng nói chung. Bản thân tôi đã
từng phải qua châu Âu gặp trực tiếp Tổng giám đốc của Nestlé để đàm
phán hợp tác”, ông Thống cho nói và cho biết, nhờ bán trực tiếp qua các
nhà rang xay, SIMEXCO có thể thu lời 50 – 100 USD/tấn cà phê nhân so
với xuất khẩu thông qua khâu trung gian, đồng thời chủ động được đầu
ra. Trong khi đó, có không ít DN do không thể bán hàng được trực tiếp
cho các nhà rang xay, phải xuất khẩu theo phương thức giao sau qua khâu
trung gian, nên dễ bị phá sản khi thị trường biến động mạnh.
Để
hạn chế rủi ro khi kinh doanh cà phê theo phương thức giao sau, theo
ông Nguyễn Viết Vinh, Tổng thư ký Vicofa, DN phải có những chuyên gia
giỏi về vấn đề sàn giao dịch và có những chuyên gia giỏi về pháp chế
làm việc ngay tại các DN. “Việc xây dựng hợp đồng mẫu và làm ăn theo
quy chuẩn thế giới đang là vấn đề cấp bách đối với ngành cà phê Việt
Nam”, ông Vinh nhấn mạnh.
Theo Báo Đầu Tư