Tiếng việt English 
   
Cơ sở Cà phê Bột Phượng
Công ty CP Đầu tư XNK Đăk Lăk
Công ty TNHH PM Coffee
Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ công bằng Ea Tu
Công ty TNHH MTV XNK 2/9 Đắk Lắk
HTX Nông nghiệp dịch vụ công bằng Ea Kiết
Công ty TNHH MTV Cà Phê 15
Công ty cổ phân đầu tư và phát triển An Thái
VIDEO CLIP
THỐNG KÊ TRUY CẬP
 
Số người truy cập
346928
 
Đang trực tuyến
15297
TIN TỨC
Tóm tắt Báo cáo tổng quan phát triển cà phê 2019 của Tổ chức cà phê quốc tế ICO 16/9/2019
     Nhân ngày cà phê thế giới, Tổ chức cà phê quốc tế lần đầu tiên cho phát hành một báo cáo tổng quan về ngành và đưa ra một số hành động/giải pháp trong bối cảnh ngành cà phê toàn cầu đang đối mặt với hàng loạt thách thức nghiêm trọng do giá thấp kéo dài. Dưới đây là bản tóm tắt được ICO phát hành sớm ngày 16/9/2019. 
 

Tóm tắt

Báo cáo tổng quan phát triển cà phê 2019 của Tổ chức cà phê quốc tế ICO 16/9/2019

[ICO Coffee Development Report 2019: Overview Growing for Prosperity

Economic viability as the catalyst for a sustainable coffee sector]

http://www.ico.org/documents/cy2018-19/ed-2318e-overview-flagship-report.pdf

 

1.     Bối cảnh

Cà phê là một trong những hàng hóa nhiệt đới quan trọng, mang lại lợi ích kinh tế cho từng công đoạn của chuỗi giá trị toàn cầu kết nối nông dân với người tiêu dùng. Công nghiệp cà phê đóng góp vào nền kinh tế ở quốc gia xuất khẩu lẫn nhập khẩu. Là một loại thức uống, cà phê mang lại khoái cảm cho lượng người tiêu dùng ngày càng tăng trên khắp thế giới. Tại nơi sản xuất, cà phê mang lại cuộc sống cho trên 25 triệu nông dân và gia đình của họ. Các lợi ích kinh tế tạo thêm được các tác nhân dọc theo chuỗi giá trị toàn cầu thụ hưởng, đó là thương nhân, nhà rang xay, nhà bán lẻ và lực lượng lao động của họ hoặc các bên liên quan khác.

Trong 2 thập niên qua, ngành cà phê toàn cầu phát triển đáng kể với nhu cầu tăng 65%. Động lực chính của tăng trưởng là tăng tiêu thụ ở các thị trường mới nổi và ở các quốc gia sản xuất cà phê. Nhu cầu ở các thị trường truyền thống đã có mức tiêu thụ đầu người cao lại có sức sống mới nhờ tăng trưởng ở các phân khúc thị trường có giá trị cao, như là cà phê đặc sản và các sản phẩm đổi mới sáng tạo mang hương vị mới lạ và thuận tiện hơn cho người tiêu dùng.

Giá trị của cà phê nhân chưa qua chế biến sâu ở các nước sản xuất lên tới trên 25 tỷ USD niên vụ 2017/18. Giá trị của toàn bộ ngành cà phê trên toàn cầu cao hơn gấp nhiều lần, ước tính vượt con số 200 tỷ USD. Phần lớn giá trị này được tạo ra ở các quốc gia nhập khẩu cà phê.

Mặc dù trong toàn ngành có sự tăng trưởng chung, nhưng giá cà phê lại theo chiều hướng đi xuống liên tục kể từ 2016, giảm 30% dưới mức trung bình của 10 năm qua. Nông dân cà phê khắp thế giới đang phải phấn đấu trang trải chi phí hoạt động như vật tư đầu vào, chi phí chứng nhận phù hợp, chi phí giao dịch… tiếp tục tăng. Do đó, thu nhập của trang trại bị giảm và đời sống của hộ sản xuất cà phê, đa số là nông hộ nhỏ ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, đang ngày càng đối đầu với rủi ro. Giá cà phê giảm sâu đã gây ra những hậu quả kinh tế, xã hội ở các quốc gia sản xuất.

Tình hình này gây rủi ro nghiêm trọng cho sự bền vững của ngành và cho nguồn cung cà phê trong tương lai. Nếu không hành động thì ngành cà phê có thể không có đóng góp đáng kể để đạt được các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hiệp quốc. Thay vào đó, những tiến bộ đạt được trước đây có thể bị tổn thương hoặc bị đảo ngược.

2.     Mục tiêu và cấu trúc báo cáo

            Báo cáo này phân tích chuyên sâu về nguyên nhân gốc rễ và tác động của cuộc khủng hoảng giá cà phê hiện nay. Báo cáo có đánh giá độc lập về các hành động có thể thực hiện để giải quyết thách thức kinh tế và thúc đẩy sự bền vững lâu dài của ngành cà phê. Ngoài ra, báo cáo đưa ra khái niệm thu nhập đủ sống như một khung tham chiếu để xác định các giải pháp ưu tiên.

            Báo cáo cung cấp cơ sở phân tích cho Đối thoại toàn ngành có cấu trúc, một quá trình do ICO khởi xướng như là một phần của việc thực hiện Nghị quyết 465.

            Mục đích của cuộc đối thoại là xác định các giải pháp và hành động cụ thể để giảm bớt tác động ngắn hạn của giá thấp lên các nhà sản xuất và để đạt được một ngành cà phê bền vững trong dài hạn. Cuộc đối thoại toàn ngành ban đầu bao gồm một loạt gồm năm sự kiện tham vấn toàn cầu với sự đóng góp của hơn 80 chuyên gia phát triển và chuyên gia ngành cà phê cũng như sự tham gia của hơn 2.000 bên liên quan.
            Báo cáo được cấu trúc trong hai phần chính:
            Phần A: đánh giá các yếu tố cơ bản của thị trường cũng như các yếu tố khác quyết định mức giá và biến động giá.
            Phần B: phân tích các hành động cụ thể.

3.     Các phát hiện chính

Cà phê có tầm quan trọng về kinh tế nhưng tính chu kỳ của thị trường là một thách thức cho nông dân và các quốc gia sản xuất. Cà phê là nguồn thu nhập của trên 12 triệu trang trại trên toàn thế giới, trong đó ¼ do phụ nữ điều hành. Cà phê tạo công ăn việc làm cho trên 25 triệu gia đình ở các nước sản xuất. Cà phê vẫn là hàng hóa xuất khẩu. Với 70% sản lượng được xuất khẩu, cà phê mang lại nguồn ngoại tệ quan trọng. Tuy nhiên sự phụ thuộc vào xuất khẩu đẩy nông dân phần lớn là nông dân sản xuất nhỏ dễ tổn thương và các chính phủ ở các nước sản xuất vào rủi ro thị trường rất lớn. Thị trường thất thường đang là thách thức, đặc biệt đối với 20% quốc gia sản xuất cà phê được xếp hạng thấp về chỉ số phát triển con người (HDI<0,5), theo định nghĩa của UNDP.

 Giá cà phê thấp như hiện nay chủ yếu là do sản xuất thừa. Nghiên cứu nhận thấy các yếu tố cơ bản của cung cầu là tác nhân chủ chốt của giá cả. Dư thừa 2 năm liên tiếp trên thị trường đã dẫn tới vượt cung ước tính khoảng 8 triệu bao (60kg) niên vụ 2018/19, tương đương gần 5% sản lượng toàn cầu. Vượt cung là yếu tố chủ chốt gây ra giá cà phê thấp như hiện nay, mặc dù tiêu thụ vẫn tăng đều đặn.

Các yếu tố không cơ bản cũng có ảnh hưởng lên giá. Sự mất giá nội tê của một số quốc gia sản xuất cà phê so với đô la Mỹ làm gia tăng tính cạnh tranh của một số quốc gia trên thị trường thế giới. Trong khi điều này nằm ngoài tầm ảnh hưởng của nông dân, đã tạo ra động lực kích thích sản xuất và xuất khẩu làm nóng thêm tình trạng thừa cung trên thị trường.

Đầu cơ trên thị trường kỳ hạn cà phê có thể làm căng thẳng thêm những chuyển động của giá. Hoạt động của những nhà giao dịch phi thương mại có thể làm trầm trọng thêm sự lên xuống của dao động giá, mặc dù các yếu tố cơ bản của thị trường như cung và cầu vẫn chiếm ưu thế trong dài hạn. Các kết quả nghiên cứu thị trường cà phê cũng tương tự kết quả nghiên cứu trên các nông sản khác.

Sự tập trung của bên mua ngày càng tăng, nhưng sự liên kết với các mức giá vẫn chưa rõ ràng. Tuy nhiên, quyền lực thị trường của bên mua có thể dẫn tới những điều khoản hợp đồng không thuận lợi cho các tác nhân ở đầu nguồn chuỗi giá trị như nông dân.

Xu hướng dài hạn của giá cà phê là tiêu cực ở một số quốc gia. Giá cà phê thực trên thị trường quốc tế cho thấy biến động cao trong ngắn hạn nhưng không cho thấy xu hướng dài hạn. Tuy nhiên ở một số quốc gia sản xuất (như Brazil, Colombia, Ethiopia, Honduras) giá thực của cà phê đã giảm kể từ những năm 1970, làm cho tình cảnh nông dân xấu thêm nếu giá cà phê thấp không được bù đắp bởi năng suất, sản lượng cao hơn.

Sự thất thường về giá không tăng thêm nhưng vẫn ở mức rất cao. Trong thập niên sau khi tự do hóa thị trường cà phê, sự thất thường giá thoạt đầu tăng từ 20,8% trong suốt thời kỳ khi các điều khoản của thỏa ước quốc tế cà phê ICA có hiệu lực (hạn ngạch) lên tới 30,8% trong giai đoạn 1990 – 2000. Tuy nhiên, sự thất thường giá ở thời kỳ sau đó (2001 – 2018) là thấp hơn đáng kể, ở mức 21,1%, không có sự sai khác thống kê có ý nghĩa so với thời kỳ có hạn ngạch. So với các cây kinh tế và cây thực phẩm khác, giá cà phê cho thấy sự thất thường tương tự, khiến cho nông dân phải chịu rủi ro trong sản xuất cũng như trong những chọn lựa cuộc sống.

Tác động của thời kỳ giá cà phê thấp kéo dài lên người sản xuất là rất nghiêm trọng. Trong vòng 1 thập kỷ, chi phí sản xuất theo nội tệ đã tăng gần gấp 2 lần ở những vùng sản xuất chính. Lao động chiếm trên 50% tổng chi phí ở hầu hết hệ thống sản xuất (trừ Brazil). Ở những nơi có chi phí cao, 25 – 50% số nông dân không thể trang trải toàn bộ chi phí sản xuất. Chưa có được số liệu toàn cầu có hệ thống ở cấp độ trang trại – cho thấy có lỗ hổng lớn về số liệu – nhưng các nghiên cứu hiện có ở từng          quốc gia cho thấy tình trạng căng thẳng tài chính của nông dân đã dẫn đến việc giảm sử dụng các đầu tư thời vụ và thiếu đầu tư lâu dài cho hiện đại hóa vườn cà phê. Rủi  ro sâu bệnh lan khắp các vùng trồng cà phê cũng đã tăng lên, tương tự như vậy là sự dễ tổn thương đối với tác động của biến đổi khí hậu.

Sự tập trung sản xuất theo không gian có nghĩa là ít có sự đa dạng về nguồn gốc xuất xứ và rủi ro nguồn cung cao hơn.  Kể từ 1990, 5 quốc gia sản xuất hàng đầu có tỷ lệ sản lượng tăng từ 57% lên trên 70%. Sự tập trung sản xuất theo không gian có thể còn tăng nữa dẫn đến rủi ro nhiều hơn về nguồn cung và người tiêu dùng ít có chọn lựa hơn về nguồn gốc xuất xứ.

Sự tăng trưởng công bằng là có thể có nhưng các rào cản đối với gia tăng giá trị vẫn còn. Tiêu thụ cà phê ở các thị trường mới nổi và ở các quốc gia sản xuất có tốc độ tăng cao hơn so với các thị trường truyền thống đã mang lại những cơ hội thị trường mới. Ngày nay, 46% nhu cầu cà phê toàn cầu đến từ các thị trường mới nổi và các quốc gia sản xuất cà phê, so với chỉ 29% đầu những năm 1990. Nếu xem xét khía cạnh tăng dân số toàn cầu và sự tiếp tục xích lại gần của mức tiêu thụ đầu người giữa các quốc gia tiêu thụ cà phê truyền thống và không truyền thống, thì vẫn còn tiềm năng đáng kể cho sự tăng trưởng chung của thị trường cà phê.

Tăng chi phí chế biến, tiếp thị, phân phối ở các nước tiêu thụ là các yếu tố chính khiến cho phần của nông dân trong giá bán lẻ cà phê bị giảm đi. Việc phân tích có hệ thống các khoảng lãi ở các cấp độ khác nhau trong chuỗi cung ứng còn bị giới hạn do thiếu số liệu và sự minh bạch. Tuy nhiên, trong một thị trường cạnh tranh với các khoảng chi phí đang tăng, thì các khoảng lãi cho các tác nhân trong chuỗi giá trị sẽ bị thấp. Mức độ tái phân phối giá trị từ những tác nhân đầu cuối chuỗi giá trị về lại cho nông dân cà phê sẽ bị hạn chế. Các chiến lược nhằm tạo ra giá trị tại trang trại thông qua tạo sản phẩm đặc biệt (nghĩa là thông qua tiếp cận các thị trường giá trị cao) và ở cấp độ các quốc gia sản xuất (nghĩa là thông qua chế biến cà phê nhân) sẽ trở nên có hiệu quả hơn trong việc tạo ra lợi nhuận kinh tế và nâng cao thịnh vượng.

Trên 90% cà phê được xuất khẩu dưới dạng cà phê nhân và việc tạo thêm giá trị vẫn tập trung ở các quốc gia nhập khẩu. Trong khi có thể vượt qua những thử thách về kỹ thuật, thì các chi phí vận chuyện và tiếp thị, cũng như các rào cản thương mại thuế quan và phi thuế quan, vẫn là một trở ngại cho sự tạo thêm giá trị từ nơi xuất xứ.

Một ngành cà phê có hiệu quả kinh tế ở các quốc gia sản xuất có đóng góp cực kỳ quan trọng vào việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Các phân tích định lượng cho thấy ảnh hưởng của những cú sốc về giá cà phê từ cấp độ trang trại cho đến cộng đồng cũng như cả nền kinh tế, khẳng định có sự tương quan chặt giữa những thay đổi về giá trị cà phê trên thị trường quốc tế với phát triển KT-XH. Giá cà phê cao đi liển với nhiều việc làm hơn ở nông thôn, đóng góp nhiều hơn của nông nghiệp vào GDP, mức nghèo đói thấp hơn (mục tiêu 1), an ninh lương thực tăng (mục tiêu 2), giảm bất bình đẳng (mục tiêu 10) và ổn định chính trị hơn (mục tiêu 16). Do đó, những chính sách giúp tăng và ổn định thu nhập của nông hộ ở các nước sản xuất cà phê có thể có tác động nhiều đến phát triển KT-XH, do đó có đóng góp trực tiếp vào hiện thực hóa Chương trình nghị sự phát triển bền vững 2030.

Các giai đoạn bùng nổ và suy thoái là câu chuyện lặp đi lặp lại của thị trường cà phê nhưng ngành cà phê đã thay đổi kể từ lần khủng hoảng giá trước đây. Các thay đổi về mặt cấu trúc gồm tập trung không gian sản xuất vào ít nguồn gốc xuất xứ hơn ở phía cung và sự tập trung của công nghiệp cà phê ở phía chế biến. Các sáng kiến bền vững đã phát triển, chủ nghĩa tiêu dùng có đạo đức lan rộng hơn, phân khúc cà phê đặc sản đã xuất hiện với sự năng động và gần ½ lượng cà phê sản xuất ra trên thế giới hiện nay được tiêu thụ bên ngoài các thị trường truyền thống. Có những thách thức mới, như là tác động của biến đổi khí hậu lên sản xuất cà phê, gây ra đe dọa nghiêm trọng không chỉ lên đời sống hàng triệu nông dân mà còn ảnh hưởng lên sự bền vững của toàn ngành cà phê.

Mặt khác, cũng có những cơ hội liên quan đến đổi mới sáng tạo và công nghệ mới có thể giúp giải quyết ít ra là một số thách thức của ngành đang gặp phải. Ví dụ, với kết quả của quá trình số hóa chúng ta có thể thu thập và phân tích số liệu nhanh chóng. Các đổi mới sáng tạo về kỹ thuật số có thể hỗ trợ sự quyết định của nông dân, tăng năng suất, tiếp cận tốt hơn với tài chính và thị trường, nâng cao hiệu quả và tính minh bạch trong các chuỗi giá trị và giúp người sản xuất đến gần hơn với người tiêu dùng.

 

4.     Tăng trưởng để thịnh vượng: các lĩnh vực hành động chủ yếu trong ngành cà phê

            Báo cáo thảo luận về một loạt các hành động có thể được thực hiện ở các cấp độ từ sản xuất đến thị trường và quản trị ngành. Báo cáo cũng đánh giá về sự đánh đổi và những rào cản khi thực hiện.

Ở cấp độ sản xuất: gồm những hành động như:

-         Những cơ chế nâng cao thành tích trang trại (năng suất, chất lượng, khả năng chống chịu);

-         Tăng cường đa dạng thu nhập;

-         Cải thiện tiếp cận với bảo hiểm rủi ro về giá và rủi ro trong sản xuất nông nghiệp;

-         Khuyến khích sự gắn kết của nông dân;

-         Tạo giá trị gia tăng.

 

Ở cấp độ thị trường:  Các giải pháp:

-         Quản lý giá và giá cộng thêm;

-         Thực hành thương mại;

-         Thúc đẩy nâng cao nhu cầu;

-         Tạo giá trị gia tăng;

-         Các chiến lược đầu tư.

 

Ở cấp độ quản trị ngành hàng

Chính phủ và các cơ quan quản trị ở cấp quốc gia, khu vực và quốc tế có thể sử dụng một loạt các biện pháp, bao gồm: cơ chế bảo đảm mua hàng, ấn định giá, các quỹ bình ổn, quản lý nguồn cung và nâng cao nhu cầu.

Các giải pháp ưu tiên

(a)  Nâng cao tính minh bạch thị trường bằng cách thu thập và đánh giá chi phí sản xuất và mức thu nhập đủ sống, nâng cấp các hệ thống thông tin thị trường hiện có.

(b) Áp dụng các thực hành mua hàng có trách nhiệm.

(c)  Tạo sân chơi bình đẳng cho ngành công nghiệp cà phê đối với các thực hành thương mại và bảo đảm hoạt động hiệu quả của các thị trường kỳ hạn.

(d) Đạt được thị trường cân bằng hơn.

(e)  Nâng cao sản xuất cà phê cạnh tranh và bền vững thông qua các mô hình chuyển giao dịch vụ năng động, có thể nhân rộng và quy định sân chơi bình đẳng về các thực hành sản xuất. 

Các yếu tố tạo điều kiện thuận lợi

(f)   Phát triển các cơ chế tài chính cho phép nới lỏng tiếp cận với tài chính và các khoản đầu tư chiến lược.

(g)  Bảo đảm có sự đối thoại đa tác nhân, liên minh và học hỏi.

HÌNH ẢNH
BẢN ĐỒ