Ngoài ra, theo kết quả điều tra của Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm
nghiệp Tây Nguyên, chỉ có khoảng 50% số hộ bón phân NPK phù hợp với quy
trình, số hộ còn lại bón phân cao hơn so với mức quy định, lượng nước
tưới cũng cao hơn từ 6.000 – 7.000m3/ha làm cho vườn cây xuống cấp
nhanh chóng, sâu bệnh gia tăng, chi phí và gía thành tăng cao.
Để khắc phục tình trạng trên, trong những năm gần đây, ngành cà phê
đã áp dụng công nghệ tế bào mới nhân invitro bằng phương pháp nuôi cấy
phôi vô tính trong môi trường lỏng và giữ nguyên các đặc điểm tốt của
các dòng vô tính cà phê vối ưu tú đã được tuyển chọn có năng suất cao,
chất lượng và khả năng kháng bệnh tốt. Với cây cà phê từ 1gr sinh khối,
trong một vài tháng có thể tạo được 60 vạn phôi vô tính có tỷ lệ tái
sinh đến 47%.
Ông Nguyễn Văn Trương, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Cà phê Việt
Nam (Vinacafe) cho biết: “Từ năm 2009 – 2010, Vinacafe sẽ đầu tư trên
950 tỷ đồng để triển khai đồng bộ các giải pháp kỹ thuật trong tái canh
cà phê nhằm góp phần thực hiện mục tiêu phát triển cà phê bền vững”. Từ
mùa mưa năm 2009, Vinacafe đã tiến hành cưa ghép trên 300 ha cà phê già
cỗi thay bằng các dòng cà phê vối vô tinh chọn lọc như: TR4, TR5… Đây
là các dòng cà phê vối đã được Bộ NN-PTNT công nhận. Dòng cà phê này
cho năng suất cao từ 4,2 – 7,3 tấn cà phê nhân/năm.
Theo số liệu của Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), hiện nay diện tích cà
phê trên 20 năm tuổi của nước ta khoảng 86.000 ha, chiếm 17,3% tổng
diện tích cà phê. Ngoài ra còn có trên 40.000 ha cà phê dưới 20 năm
tuổi nhưng đã có biểu hiện già cỗi, sinh trưởng kém, nhiều cành không
cho quả, năng suất và chất lượng thấp. Cục Trồng trọt ước tính trong
vòng 5 – 10 năm tới, diện tích cà phê cần phải trồng thay thế và chuyển
đổi khoảng 140.000 – 160.000 ha.
Theo Đất Việt