Khối lượng giao dịch tăng đột biến, gấp hơn 2 lần so với phiên liền trước.
Trên thị trường New York, giá cà phê Arabica trong khi đó tăng nhẹ
hơn, kỳ hạn tháng 5 có thêm xấp xỉ 1,9% lên 178,5 cent/lb còn kỳ hạn
tháng 7 tăng 2,9 cent tức 1,6% lên 177,95 cent/lb.
Thị trường phiên qua được hỗ trợ bởi đồng USD suy yếu so với Euro sau
khi quỹ cứu trợ tài chính của châu Âu xác nhận Hy Lạp đã nhận được viện
trợ và các quan chức báo cáo tiến độ thành lập chính phủ, giảm bớt lo
ngại quốc gia này sẽ rời khỏi liên minh tiền tệ.
Nỗi lo nguồn cung mới là nguyên nhân quan trọng đẩy tăng giá cà phê,
đặc biệt là tại London. Các thương nhân giờ đây phải tích cực gom hàng
hoặc phải mua bù bán khi thời hạn giao hàng của kỳ hạn tháng 5 đang tới
gần.
Thêm nữa, thị trường phiên qua đón nhận báo cáo của Tổ chức Cà phê
Quốc tế (ICO) cho biết, nhu cầu cà phê thế giới sẽ tăng ổn định ở các
thị trường đang nổi, bù đắp cho phần sụt giảm tại các thị trường truyền
thống, và điều quan trọng nhất mà ngành cà phê thế giới phải đối mặt đó
là tìm đâu ra nguồn cung phục vụ cầu.
Giám đốc điều hành ICO ông Roberio Silva cho biết, “nếu nhìn vào
triển vọng nhu cầu và ước tính mức tăng trưởng 1,5 đến 2,5% mỗi năm, thì
rõ ràng rằng thế giới sẽ cần thêm ít nhất là 20 triệu bao cà phê trong
vòng 10 năm tới. Số hàng đó sẽ tới từ đâu?”
Tổng sản lượng cà phê thế giới năm ngoái là 131 triệu bao, trong khi
năm trước đó là 134 triệu bao. Dự trữ cà phê tại các nước nhập khẩu
trong khi đó “tăng không đáng kể” còn dự trữ tại các nước sản xuất thì
“rất thấp”, theo như lời của vị chủ tịch ICO.
Cũng theo ông Silva – người đồng thời là quan chức của Bộ Nông nghiệp
Braxin- sản lượng của Braxin năm 2012 được văn phòng dự báo chính phủ
(Conab) cho rằng sẽ đạt kỷ lục 50,45 triệu bao, nhưng các nhà phân tích
khác lại cho rằng, vấn đề thời tiết, bao gồm cả mưa ít ở các thời điểm
phát triển quan trọng – sẽ khiến cho sản lượng không được như mong muốn.
Ở trong nước, giá cà phê nhân xô hôm nay tăng 800 nghìn đồng lên 40,8
– 40,9 triệu đồng/tấn. Mức giá này đã khá sát với mong muốn của bà con
nông dân để có thể thoát hàng sau thời gian dài lưu trữ.
Nguyễn Hằng (giacaphe.com)