Trên sàn giao dịch London, cà phê robusta giao tháng 5 và tháng 7
giảm lần lượt 11 và 12 USD, xuống 2.025 USD/tấn và 2.038 USD/tấn. Cà
phê arabica trên sàn New York ở các kỳ hạn tương tự, giảm lần lượt 0,85
cent và 0,8 cent, còn 185,35 cent/lb và 188,05 cent/lb.
Thị trường phiên qua chịu tác động của đồng USD mạnh lên sau khi Cục
Dự trữ Liên bang Mỹ công bố biên bản cuộc họp tháng 3, trong đó không
nhắc tới gói kích thích kinh tế mới nào, mà ghi nhận sự hồi phục, dù
rằng thất nghiệp vẫn còn cao. USD mạnh thường làm cho hàng hóa trở nên
đắt hơn với người giữ ngoại tệ khác, nên giá giảm.
Ở trong nước, giá cà phê nhân xô hạ 300 nghìn đồng/tấn so với hôm qua.
Thị trường hiện nay đang có nhiều kịch bản cho quý 2, trong đó
robusta bị yếu thế. Theo báo cáo mới nhất của Volcafe, nông dân Việt
Nam đã bán ra thị trường 70% sản lượng vụ này. Nguồn cung thời gian tới
sẽ không có vấn đề nào xấu do Braxin và Indonesia sẽ thu hoạch từ tháng
tới. Viện Nghiên cứu cà phê ca cao của Indonesia đưa ra báo cáo cho
thấy Indo có thể tăng sản lượng tới 38% lên 11 triệu bao trong vụ tới.
Với cà phê arabica, một kịch bản nguồn cung chặt chẽ đang được dựng
lên, với đủ các lý do, như thời tiết xấu và chương trình tạm trữ ở
Braxin. Báo cáo từ các công ty nghiên cứu nội địa cho thấy Braxin sẽ
thu hoạch 37,4 triệu bao arabica trong vụ bắt đầu thu hoạch từ tháng 7,
giảm 11% so với chu kỳ sản lượng cao cách đây 2 năm. Chính phủ nước này
cũng đang chuẩn bị một loạt các hành động như mua tạm trữ để hỗ trợ giá
cho nông dân, đẩy mạnh tiêu thụ nội địa và tìm các thị trường xuất khẩu
mới.
Hiện nay, dự trữ cà phê arabica tại các kho của sàn ICE tại New York
đang ở mức thấp hơn 41% so với cách đây 2 năm, cho thấy tình hình sẽ
càng khó khăn trong thời gian tới. Colombia thì dự kiến thu hoạch với
sản lượng chưa đến 7,5 triệu bao trong vụ này – thấp nhất trong 36 năm.
Thông tin gần nhất dự kiến tác động lên giá cà phê các phiên tới là
Bloomberg vừa đăng tải một số báo cáo cho thấy thời tiết tuần này ở
Braxin sẽ cực kỳ khô hạn.
Nguyễn Hằng (giacaphe.com)