Giá cà phê thế giới đồng loạt giảm trong phiên giao dịch ngày thứ
Năm vì đồng USD mạnh lên, nỗi lo nợ công châu Âu và xu hướng giảm chung
của thị trường hàng hóa, đặc biệt là dầu mỏ.
Tại London, cà phê robusta giao tháng 5 giảm 17 USD xuống 2.041 USD/tấn, kỳ hạn tháng 7 giảm 11 USD còn 2.038 USD/tấn.
Tại New York, cà phê Arabica giao tháng 5 còn 176,6 cent/lb, giảm 5,4 cent. Kỳ hạn tháng 7 giảm cùng mức xuống 179,3 cent/lb.
Đồng Euro hôm qua suy yếu sau khi hãng xếp hạng tín dụng S&P
cảnh báo Hy Lạp có thể phải tái cấu trúc nợ thêm một lần nữa, và rằng
lần này sẽ kéo theo nhiều chủ nợ ở châu Âu là các chính phủ tham gia.
USD mạnh lên khiến cho giá hàng hóa giảm.
Có ý kiến còn cho rằng, thị trường cà phê chịu áp lực trong phiên
qua do hoạt động chốt sổ sách cuối quý của các nhà đầu tư và các quỹ,
khi chỉ còn nốt hôm nay là quý 1 kết thúc. Trong quý này, giá cà phê
robusta đã tăng 230 USD tương đương 12,7%, còn cà phê Arabica mất 50,2
cent tương đương 22,1%.
Những ngày cuối tháng này, thị trường cà phê thế giới nhận được một
loạt các dự báo mới về tình hình thị trường thời gian tới, trong đó
dường như có lợi cho Arabica còn bất lợi với robusta.
Báo cáo của ngân hàng Rabobank cho thấy, quý 2 này giá cà phê
robusta sẽ chịu áp lực do châu Phi và Indonesia vào mùa thu hoạch,
Braxin cũng thu hoạch vụ mùa vào tháng 5, khiến cho nguồn cung trở nên
dồi dào. Cà phê Arabica trong khi đó sẽ được lợi do Braxin thời tiết
xấu.
Ngân hàng Goldman Sachs hôm qua cũng dự báo, thời tiết ở Braxin nếu
cứ khô hạn sẽ đẩy giá cà phê Arabica lên. Hiệp hội Cà phê Ấn Độ cũng
lên tiếng nước này trải qua 5 tháng khô hạn, dẫn đến chất lượng lẫn sản
lượng cà phê năm nay thấp hơn, giữa lúc nhu cầu nội địa lên cao sẽ làm
cho giá đắt đỏ.
Ở trong nước, giá cà phê nhân xô hôm nay giảm thêm 300 nghìn đồng và
lùi về sát 40 triệu đồng/tấn. Giá cà phê xuất khẩu loại 2, 5% đen vỡ
vẫn duy trì giá trừ lùi 30 USD/tấn, FOB, so với giá giao tháng 5 trên
sàn London.
Nguyễn Hằng (giacaphe.com)