Đầu tuần, giá cà phê thế giới diễn biến trái chiều. Tại
thị trường London, giá cà phê Robusta quay đầu sụt giảm xuống mức thấp
nhất tuần. Kỳ hạn giao tháng 5 giảm 18 USD, tương đương 0,89%, xuống
2.015 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 7 cũng giảm 12 USD, tương đương
0,6%, xuống 2.009 USD/tấn, tiếp tục duy trì hiện tượng giá đảo.
Tại thị trường New York, giá cà phê Arabica chỉ
biến động nhẹ. Kỳ hạn giao tháng 5 tăng 0,05 cent lên 178,8 cent/b và
kỳ hạn giao tháng 7, trái chiều, giảm 0,15 cent xuống 181,4 cent/lb.
Diễn biến thị trường cho thấy yếu tố hỗ trợ cơ bản cho giá cà phê
Arabica vẫn chưa rõ ràng.
Giá cà phê nhân xô tại Tây nguyên giảm 200 đồng, lui về mức
39.700-39.800 đồng/kg, tương đương mức giá đã thiết lập vào ngày cuối
cùng của tháng 11/2011.
Giá cà phê xuất khẩu loại R2, 5% đen vỡ, cũng xuống 1.980 USD/tấn, FOB, với trừ lùi 30 USD theo giá tháng 5 của London.
Giữa tuần, giá cà phê Robusta tăng mạnh lên mốc cao nhất tuần trong
phiên rạng ngày 28/3. Kỳ hạn giao tháng 5 tăng 44 USD, tương đương
2,14%, lên 2.059 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 7 tăng 42 USD, tương
đương 2,05%, lên 2.051 USD/tấn. Giá cà phê Arabica cũng lên mốc cao
nhất tuần trong phiên tăng rất mạnh cùng ngày. Kỳ hạn giao tháng 5 tăng
8,55 cent, tương đương 4,56%, lên 187,35 cent/b và kỳ hạn giao tháng 7
tăng 8,45 cent, tương đương 4,45%, lên 189,85 cent/lb.
Giá cà phê nhân xô trong nước lên cao nhất tuần tại 40.400-40.500
đồng/kg. Thị trường nội địa đã ghi nhận lực bán ra từ nông dân và nhà
đầu cơ nhỏ lẻ khá mạnh.
Tuy nhiên sau đó, giá cà phê thế giới quay đầu sụt giảm liên tiếp
trên cả hai thị trường. Tại London, giá cà phê Robusta kỳ hạn giao
tháng 5 mất tất cả 18 USD, xuống 2.041 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 7
cũng mất 13 USD, còn 2.038 USD/tấn. Tại New York cũng tương tự, giá cà
phê Arabica kỳ hạn giao tháng 5 mất tất cả 10,9 cent, xuống 176,45
cent/b và kỳ hạn giao tháng 7 cũng mất 10,7 cent, còn 179,15 cent/lb.
Đây là mốc giá cà phê Arabica thấp nhất tuần và cũng là mức thấp nhất,
theo Reuters, tính từ đầu tháng 10/2010.
Cuối tuần, thị trường London diễn biến trái chiều giữa các kỳ hạn và
chấm dứt đợt đảo giá khi kỳ hạn tháng 5 tăng trưởng âm về thấp hơn
tháng 7, thiết lập lại trật tự giữa các kỳ hạn. Cụ thể, giá kỳ hạn giao
tháng 5 giảm 15 USD, xuống 2.026 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 7 tăng
nhẹ 2 USD, lên 2.040 USD/tấn.
Thị trường New York bật tăng mạnh. Giá cà phê Arabica kỳ hạn giao
tháng 5 tăng 6 cent, tương đương 3,29 %, lên 182,45 cent/b và kỳ hạn
giao tháng 7 tăng 5,85 cent, tương đương 3,16 %, lên 185 cent/lb.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên vẫn không đổi, duy trì ở mức 40.000-40.100 đồng/kg,
Tính chung cả tuần, giá cà phê Robusta tăng 13 USD cho kỳ hạn tháng
5 và 7 USD cho kỳ hạn tháng 7. Kéo theo giá cà phê nhân xô trong nước
tăng 100 đồng/kg, vẫn duy trì được ở mức cao. Giá cà phê xuất khẩu cũng
tăng thêm 5 USD.
Mức chênh lệch giữa giá cà phê Arabica và cà phê Robusta đã rút ngắn
xuống còn 1,98 lần từ mức cao xấp xỉ 2,6 lần cuối năm trước.
Để ngăn chặn giá cà phê Arabica có thể giảm sâu, chính phủ Brazil
đang dự kiến một số biện pháp. Trong đó có biện pháp tăng mua dự trữ
thường xuyên và phân bổ khoảng 50% nguồn tín dụng giúp cho nông dân
trang trải các khoản tài chính khi họ trì hoãn việc bán sản phẩm ra thị
trường.
Các nhà phân tích thị trường kỳ hạn nhận định, việc Colombia chưa
thể lấy lại vị trí thứ 3 thế giới do cây cà phê của nước này tiếp tục
cho năng suất thấp vì biến đổi khí hậu và nấm bệnh cũng như cung cà phê
thế giới chưa thể theo kịp cầu khiến giá sẽ trở lại mốc 2 USD/lb.
Thị trường cà phê thế giới cũng vừa dấy lên nỗi lo từ Brazil mà
nhiều ý kiến cho rằng, đây là giai đoạn bắt đầu của những “kinh doanh
thời tiết”.
Do ảnh hưởng của cơn bão số 1, trời Tây nguyên mấy ngày qua mây dày
đặc kèm theo những cơn mưa kéo dài. Tuy đến giờ này chưa thấy những cơn
mưa lớn nhưng cũng đủ cho nông dân đỡ tốn chi phí ít nhất là một đợt
tưới. Thị trường nội địa bỗng nhiên lắng xuống nhờ áp lực của phí tổn
đầu tư cho cây cà phê giảm đáng kể.
Theo báo cáo của ngành Nông nghiệp, ước xuất khẩu cà phê
tháng 3 đạt 190 ngàn tấn với trị giá 387 triệu USD, đưa tổng lượng xuất
khẩu quý I lên 504 ngàn tấn và giá trị xấp xỉ 1 tỷ USD, giảm 11,9 % về
lượng và 14,3 % về giá trị. Mặc dù vậy theo đà tăng giá của các mặt
hàng nông sản khác giá cà phê xuất khẩu cũng tăng nhẹ ( 2,3 % so với
cùng kỳ năm trước).
Anh Văn (giacaphe.com)