Thị trường London mở đầu tuần này với 2 phiên lao dốc khá mạnh. Giá cà phê
Robusta kỳ hạn giao tháng 5 mất tất cả 65 USD, tương đương 3,22 %,
xuống 1.955 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 7 cũng mất 55 USD, tương đương
2,75%, còn 1.944 USD/tấn. Trong khi đó kỳ hạn giao tháng 3 cũng giảm 67
USD, tương đương 3,32 %, xuống còn 1.952 USD/tấn, mức giảm mạnh nhất.
Nguyên nhân chủ yếu do sức ép của USD và quyết định giảm mục tiêu
tăng trưởng kinh tế năm 2012 của Trung Quốc. Giá giảm còn do thông tin
dự báo Indonesia sẽ có vụ mùa tốt nhất trong 3 năm. Tuy nhiên, nỗi lo
nguồn cung còn phụ thuộc vào Việt Nam khiến cho giá không giảm sâu vì
lượng hàng xuất đi từ quốc gia này vẫn hạn chế.
Trái lại, giá cà phê Arabica
tại thị trường New York vẫn lình xình theo đà suy giảm kéo dài mấy
tháng nay. Với 3 phiên giảm liên tiếp đầu tuần, kỳ hạn tháng 5 giảm
thêm 13,05 cent, tức giảm 6,47%, xuống còn 188,6 cent/lb và kỳ hạn
tháng 7 cũng giảm thêm 12,75 cent, tức giảm 6,25%, xuống còn 191,25
cent/lb, các mức giảm rất sâu.
Dự báo giá cà phê Arabica vẫn còn giảm tiếp vì nguồn cung hứa hẹn
dồi dào khi Brazil sắp vào thu hoạch. Thậm chí ngân hàng Barclays
Capital còn dự báo giá sẽ xuống mức 170 cent/lb trong năm nay.
Giá cà phê trong nước giảm theo xuống còn 38.600-38.700 đồng/kg nhân xô.
Giữa tuần, giá cà phê Robusta có 2 phiên tăng điểm, lực tăng rất ấn
tượng. Kỳ hạn giao tháng 3 tăng 136 USD, tức tăng 6,97 %, và kỳ hạn
giao tháng 5 cũng tăng 133 USD, tức tăng 6,8%, cùng lên mức 2.088
USD/tấn. Trong khi đó kỳ hạn giao tháng 7 chỉ tăng 96 USD, tương đương
4,94 %, lên 2.040 USD/tấn, mức tăng ít nhất để tiếp tục nới rộng khoảng
cách giá đảo.
Lực tăng ấn tượng là nhờ hoạt động mua mạnh của nhà rang xay và giới
đầu cơ khi có thông tin xuất khẩu cà phê tháng 3 của Việt Nam có thể
chỉ bằng 50 – 60% so với tháng 2. Được biết, cho đến khi Indo thu
hoạch, khoảng tháng 5, thì Việt Nam là nguồn cung cà phê Robusta duy
nhất của thế giới.
Trong khi đó, giá cà phê
Arabica có phiên hồi giá thường thấy sau chuỗi sụt giảm. Kỳ hạn tháng 5
tăng 0,8 cent lên 189,4 cent/lb và kỳ hạn tháng 7 cũng tăng 0,85 cent
lên 192,1 cent/lb, các mức tăng chỉ xấp xỉ 0,5%.
Giá cà phê nhân
xô trong nước cũng lên mức cao nhất tuần ở 40.400-40.500 đồng/kg. Thị
trường ghi nhận đã có một lượng hàng nhất định được nông dân đưa ra ở
mức giá này.
Cuối tuần, giá cà phê Robusta
sụt giảm bởi hoạt động chốt lời và nguồn cung có phần cải thiện nhờ mấy
ngày tăng giá vừa qua. Cả 2 kỳ hạn giao tháng 3 và tháng 5 cùng nắm tay
nhau giảm 38 USD, tương đương giảm 1,85 %, để cùng xuống 2.050 USD/tấn.
Kỳ hạn giao tháng 7 chỉ giảm 29 USD, tức giảm 1,44%, xuống còn 2.011
USD/tấn, tuy mức giảm nhẹ hơn nhưng hiện tượng giá đảo vẫn được duy trì.
Giá cà phê Arabica tiếp tục suy yếu. Kỳ hạn tháng 5 giảm 3,2 cent,
tức giảm 1,72%, xuống mức 186,2 cent/lb và kỳ hạn tháng 7 cũng giảm 3,2
cent, tức giảm 1,69%, xuống còn 188,9 cent/lb, mức giảm cũng đáng kể.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên lui về mức 39.800-39.900 đồng/kg, tuy vậy vẫn có thêm 500 đồng/kg so với cuối tuần trước.
Theo thống kê của ngành Hải Quan, xuất khẩu cà phê tháng
2 đạt 202.055 tấn với giá trị kim ngạch 413,6 triệu USD, tăng 80,1 % về
lượng và tăng 82,2 % về giá so với tháng trước. Tính từ đầu niên vụ
2011/2012 đến nay (tháng 10 – tháng 2) đã xuất khẩu được 572.433 tấn cà
phê với giá trị kim ngạch 1,19 tỷ USD, giảm 11,77 % về lượng và giảm
3,02 % về giá so với cùng kỳ niên vụ 2010/2011.
Anh Văn (giacaphe.com)