Trong năm 2017, cùng với
các loại cà phê bền vững, các doanh nghiệp đã xuất khẩu gần 2.000 tấn cà phê nhân
có Chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột, trong đó có 300 tấn được bán có giá cộng thêm.
Đối với thị trường nội địa, các nhà rang xay trong nước ngày càng tỏ ra quan
tâm nhiều hơn đến cà phê nhân mang Chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột, đã tiêu thụ
4.513 tấn trong 2 năm 2016 và 2017.
Trong vài năm gần đây
thị trường cà phê đặc sản tiêu thụ mạnh sản phẩm “cà phê honey” được chế biến,
bảo quản theo quy trình đặc biệt để cho ra nước uống cà phê có mùi vị quả và
hậu vị ngọt dịu. Nắm bắt được những xu hướng tiêu dùng mới trên thị trường cà
phê đặc sản chất lượng cao, Công ty TNHH MTV XNK 2/9 Đắk Lắk là đơn vị tiên
phong xuất khẩu cà phê robusta thương hiệu Buôn Ma Thuột, trong 2 năm qua đã
không ngừng triển khai các chương trình nâng cao chất lượng thông qua cải tiến
về phương pháp chế biến, bảo quản cà phê nhân sau thu hoạch, bắt đầu ngay từ
trang trại nằm trong vùng Chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột. Cà phê nhân chế biến
theo phương pháp honey được Công ty TNHH MTV XNK 2/9 Đắk Lắk xuất bán với bao
bì mang lô gô “Buon Ma Thuot Coffee”
và dán nhãn “Fine Robusta Buon Ma Thuot”. Ông Lê Đức Huy, phó Tổng giám
đốc Công ty TNHH MTV XNK 2/9 Đắk Lắk, phó Chủ tịch Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột, cho biết giá bán sản phẩm mới
này có thể cao hơn cà phê thông thường 40 -50%. Đây là hướng phát triển mới nhằm
nâng cao giá trị gia tăng cho cà phê mang Chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột.