Sau một đợt trượt giá dài và rớt sâu sau khi chạm đỉnh 42 triệu đồng/tấn lập được cách nay nửa tháng, giá cà phê nguyên liệu
ở thị trường nội địa trên các tỉnh Tây Nguyên đến sáng nay 25-10 chỉ
còn 38,5 triệu đồng/tấn, mất 2,3 triệu đồng/tấn chỉ sau một tuần và giảm
cả thảy 3,5 triệu đồng/tấn so với hai tuần trước đó.
Như đã được tính toán trước, mũi dùi từ hai hướng đã đâm thủng và làm xì quả bóng giá đang tăng căng ngon trớn trước đây.
Tin mưa đến đều và nhiều bắt đầu từ cuối tuần này kéo dài đến hết
tháng 10 trên toàn vùng cà phê Brazil, nước sản xuất và xuất khẩu cà phê
hàng đầu thế giới, đã làm nguội nhanh các kỳ hạn sàn cà phê dù mới chỉ
trước đó mấy ngày nói trời Brazil vừa khô vừa nóng! Đối với cây cà phê
Brazil, thường những trận mưa mùa hè vào tháng 10 là hết sức cần thiết
cho các đợt ra hoa. Năm nay, đến nửa đầu tháng này vẫn chưa có mưa, thị
trường lo ngại cho sản lượng niên vụ tới nên đã đẩy giá sàn arabica tăng
mạnh.
Ăn theo tin thời tiết, các quỹ đầu cơ tài chính đã bán thanh lý các
hợp đồng mua khống trên sàn kỳ hạn arabica Ice New York. Sau khi đã tích
lên mức cao kỷ lục với 50.032 hợp đồng, tương đương với 852.545 tấn mua
khống trên sàn arabica tính đến hết ngày chốt con số báo cáo định kỳ
hàng tuần vào ngày thứ ba 14-10, đầu cơ đã nhanh nhẩu bán tháo. Giá đóng
cửa arabica Ice đã từ 225,75 xu/cân Anh (cts/lb) vào ngày 15-10 xuống
chỉ còn 195,75 cts/lb hết ngày 24-10, giảm 30 cts/lb tương đương với
trên 660 đô la/tấn.
Giá kỳ hạn robusta Ice cũng rớt theo nhưng may mắn không nhiều như
arabica. Giá robusta Ice phiên thứ Sáu 24-10 đóng cửa chỉ còn 2.028 đô
la/tấn, giảm 101 đô la/tấn so với tuần trước nhưng mất 166 đô la/tấn so
với đỉnh tháng này.
Thị trường sẽ sóng to gió dữ?
Người kinh nghiệm thương trường cà phê cho rằng ít khi thấy giá tăng
giảm mạnh ở dịp đầu mùa như thế này. “Có thể phải đến giữa tháng
11-2014, nhiều nơi ở nước ta mới có hàng ra thị trường, song dao động
giá nội địa và kỳ hạn kiểu như vậy sẽ làm chùn tay các nhà xuất khẩu,”
giám đốc một công ty xuất khẩu cà phê tại tỉnh Đắc Lắc cho biết.
“Có thể đây là chiêu trò của một vài tay đầu cơ muốn đẩy giá tăng rồi
đưa giá xuống lại nhanh, người bán sẽ cứ nhắm mức cao đầu mùa 42 triệu
đồng/tấn làm kỳ vọng, và chỉ bán khi giá đạt mức ấy…Trong khi đó, đầu cơ
sẽ âm thầm chuyển hàng từ các kho ngoại quan đi qua các kho thuộc sàn
kỳ hạn để tích trữ hay giao thẳng đến người mua mà không gặp trở ngại
cạnh tranh nào,” một chuyên gia nhận định tình hình như thế.
Ước tồn kho đạt chuẩn của sàn robusta nay mai sẽ có chừng 200.000 tấn
(hiện nay số thực là 120.000 tấn) cộng với sàn arabica trên 140.000
tấn, chủ yếu trong tay đầu cơ. Một khi đủ túc số tồn kho, họ sẽ tìm cách
khuynh đảo giá hai sàn lúc chao bên này, lúc đảo bên kia, khuấy động
thị trường để có lợi cho bản thân mình.
Vụ 2014/15 mới bắt đầu chưa tròn tháng mà thị trường đã bày ra khá
nhiều rủi ro. Giá tăng giảm thất thường ngay ở thời điểm đầu vụ dễ trở
thành cái bẫy vì nếu như giá thấp không bán hàng để chờ giá cao hơn, khả
năng thị trường nội địa sẽ có lúc bị ứ hàng, từ đó gây sức ép bán ra
làm giá xuống mạnh hơn. Còn nếu bán quá mức thì tạo điều kiện cho đầu cơ
ghim hàng khống chế thị trường. Thường, khi thị trường bị khống chế,
người sản xuất thiệt phần nhiều.
Câu hỏi được đặt ra là mỗi tháng thế giới tiêu thụ bao nhiêu cà phê
của riêng nước ta? Theo Tổng cục Thống kê, trong niên vụ 2014/15, xuất
khẩu cà phê nước ta đạt 1.641.700 tấn và niên vụ 2012/13 được 1.423.300
tấn. Như vậy, tổng lượng thực xuất từ nước ta qua hai năm liền là
3.065.000 tấn. Tính đến ngày cuối vụ trước 30-9-2014, tồn kho robusta
thuộc sàn ở mức 96.930 tấn. Cứ cho rằng, trong lượng tồn kho robusta đạt
chuẩn của sàn kỳ hạn ta chiếm phần nhiều, tức 65.000 tấn.
Với cách tính toán trên, con số tiêu thụ thực tế hàng cà phê Việt Nam
trên thế giới trong vòng hai năm liên tiếp là 3 triệu tấn cộng với tồn
kho chưa sử dụng trên sàn là 65.000 tấn, hay hàng tháng 125.000 tấn,
giảm so với trước đây chừng 5.000-10.000 tấn/tháng.
Vừa qua, có tin nói rằng Hiệp hội Cà phê & Ca cao Việt Nam
sẽ đề nghị Chính phủ cho phép tạm trữ 200.000 tấn để hỗ trợ giá cho
nông dân. Chương trình này xem ra hợp thời nếu nước ta được mùa vì chỉ
cần bảo đảm cung ứng cho thế giới 1,5 triệu tấn cho 12 tháng trước mắt
còn trong trường hợp mất mùa, giá kỳ hạn sẽ được hỗ trợ do yếu tố một
cách tự nhiên do lực bán yếu từ nước ta.
Tuy nhiên, thời điểm thực hiện chương trình tạm trữ cần phải đúng
điểm rơi và nhanh chóng, nếu không, nó sẽ là con dao hai lưỡi, có lợi
cho đầu cơ phần nhiều vì họ đang tích trữ sẵn lượng tồn kho cà phê khá lớn.
Theo Nguyễn Quang Bình (Thesaigontimes.vn)